Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Khi nào nông dân hết chạy theo phong trào?
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung để ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập là hướng đi tất yếu hiện nay.
Chỉ tính riêng trong vụ đông xuân 2017-2018, toàn tỉnh chuyển đổi được gần 500 ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng cạn khác như khoai lang, ngô, đậu các loại… mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Có một thực tế là, diện tích do người dân tự chuyển đổi cao hơn rất nhiều so với các cấp, ngành chức năng vì họ chạy theo giá cả thị trường, nông sản nào có giá cao thì nông dân sẽ chuyển sang trồng nhiều loại cây đó như khoai lang, cây ăn trái…
Nông dân huyện Lắk chăm sóc ruộng khoai lang. |
Điều đáng nói là ngành Nông nghiệp vẫn chưa phát huy được vai trò định hướng cho nông dân, cũng như chưa xây dựng được quy hoạch cụ thể cho các loại cây trồng. Khi có vấn đề về “đầu ra” của sản phẩm thì mới vào cuộc điều tra, rà soát lại diện tích và đưa ra những khuyến cáo… Chính việc chuyển đổi cây trồng khi chưa có định hướng, quy hoạch cụ thể khiến “đầu ra” của sản phẩm thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đây là nguyên nhân khiến nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Để tránh tình trạng người dân chạy theo phong trào, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, thay vì khuyến cáo người dân nên trồng cây này, không nên trồng cây kia thì ngành Nông nghiệp cần cung cấp những thông tin liên quan đến sản phẩm đó, từ giá cả, thị trường, đối tượng cạnh tranh đến nơi cung cấp giống tin cậy… Phải tạo cho nông dân một tầm nhìn khi quyết định trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế tốt nhất. Đồng thời, ngành Nông nghiêp cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm “đầu ra” ổn định cho các loại nông sản.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc