Multimedia Đọc Báo in

Để du lịch Buôn Đôn phát triển tương xứng với tiềm năng

08:43, 15/05/2018

Buôn Đôn là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên việc phát triển du lịch ở đây vẫn đang gặp nhiều khó khăn do các sản phẩm du lịch khá đơn điệu, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn nhiều hạn chế.

Nằm cách TP. Buôn Ma Thuột  khoảng 50 km, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) hiện vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của những cánh rừng khộp. Vườn vừa có hệ động thực vật phong phú, lại có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Thác Bảy nhánh -  nơi duy nhất dòng sông Sêrêpốk huyền thoại chia làm bảy nhánh; Thác Phật - một ngọn thác nằm ẩn mình giữa những khu rừng già tự nhiên, quanh thác có nhiều tảng đá lớn hình thù khác nhau, không khí trong lành, thoáng mát; những dòng suối Đắk Lau, Đắk Te, Đắk Ken nước trong xanh, khung cảnh nên thơ.

Tận dụng lợi thế này, những năm qua, bên cạnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, VQG Yok Đôn đã mở nhiều hoạt động du lịch sinh thái phục vụ du khách như: du thuyền độc mộc, đi thuyền máy đuôi tôm, đi xe đạp địa hình, soi thú ban đêm, học làm quản tượng, một ngày làm kiểm lâm, tìm hiểu truyền thống văn hóa, ẩm thực của đồng bào bản địa... Song lượng khách du lịch đến với Vườn rất hạn chế. Minh chứng là năm 2017, VQG Yok Đôn chỉ đón khoảng 13 nghìn lượt khách, doanh thu đạt hơn 700 triệu đồng. Lý giải việc này, ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn cho rằng, do thiếu vốn nên hoạt động du lịch của Vườn chủ yếu thiên về khám phá thiên nhiên. Loại hình du lịch này du khách nước ngoài rất yêu thích, nhưng với du khách trong nước lại ít được quan tâm.

Du khách cưỡi voi tham quan trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).
Du khách cưỡi voi tham quan trên sông Sêrêpốk đoạn qua xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Không chỉ riêng Vườn Quốc gia Yok Đôn, vấn đề đầu tư cho du lịch để đa dạng hóa các dịch vụ, thu hút du khách ở huyện Buôn Đôn đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa  và Thông tin huyện, hiện trên địa bàn có 5 đơn vị kinh doanh du lịch gồm: Công ty TNHH sinh thái Bản Đôn, Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ Yok Đôn (VQG Yok Đôn), Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch sinh thái Bản Đôn và Trang trại Du lịch vườn Troh Bư  - Buôn Đôn với các dịch vụ ăn uống, du lịch sinh thái, cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk, cưỡi voi tham quan  buôn làng, tham quan thắng cảnh, tham gia một số hoạt động với người dân… Mỗi năm, các điểm du lịch thu hút được 220 nghìn lượt khách, với doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Có thể thấy, các dịch vụ du lịch ở đây chủ yếu vẫn dựa vào tiềm năng sẵn có với voi, nhà dài, ẩm thực truyền thống, cảnh quan… chứ chưa đầu tư được những loại hình du lịch mới, hấp dẫn để thu hút du khách dẫn đến nguồn thu từ hoạt động du lịch còn hạn chế. Có thể thấy rõ qua thống kê của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Buôn Đôn, mức chi tiêu của một du khách năm 2010 khoảng 200 nghìn đồng/ngày, thì đến nay mức chi tiêu cũng chỉ tăng lên khoảng 280 nghìn đồng/ngày. Khách du lịch đến đây cũng chỉ đi về trong ngày, ít khi ở lại. Từ năm 2010 đến 2017, huyện Buôn Đôn đón khoảng 2,2 triệu lượt khách nhưng chỉ có 24.000 lượt khách lưu trú quá đêm. Bởi trên địa bàn huyện hiện mới có 15 cơ sở kinh doanh lưu trú (131 phòng) với chất lượng trung bình chưa thể đáp ứng được yêu cầu của du khách.

Cũng theo ông Thoại, do cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn lực nội tại của địa phương để đầu tư cho hạ tầng rất ít nên cần sự đầu tư từ tỉnh, Trung ương. Trong đó, sẽ ưu tiên đầu tư hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng kết nối các điểm du lịch với nhau; hỗ trợ cho các cơ sở dệt thổ cẩm, mây tre, đan lát để tạo ra các mặt hàng lưu niệm phục vụ du lịch; đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ ngành du lịch; phục dựng các lễ hội truyền thống; khôi phục môi trường; xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch rộng rãi…, như vậy thì du lịch Buôn Đôn mới có thể phát triển tương xứng với tiềm năng. 

 Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.