Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP

08:41, 30/05/2018

Với việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phương thức sản xuất chuyên nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhân An ở thôn 5, xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) đã bước đầu hoạt động có hiệu quả.

HTX Nhân An được thành lập vào cuối năm 2017, chuyên sản xuất mặt hàng rau, củ, quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích cung ứng ra thị trường những sản phẩm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được áp dụng theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP.

Ông Trần Thế Châu, Giám đốc HTX cho biết, nhận thấy việc chăn nuôi hay gặp khó khăn do dịch bệnh, giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định, HTX đã thực hiện mô hình chăn nuôi heo, gà, bò theo hình thức liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ nông dân với HTX. Để quá trình liên kết đạt hiệu quả cao, Ban quản trị HTX đã thành lập một tổ dịch vụ chuyên cung ứng con giống, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chịu trách nhiệm hướng dẫn giám sát quy trình chăn nuôi của các hộ. Trên cơ sở các hộ đăng ký con giống, thời hạn xuất chuồng với HTX, hằng tháng HTX sẽ lên kế hoạch cung ứng con giống và tiêu thụ sản phẩm của các hộ nông dân với điều kiện các hộ phải tổ chức chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật để bảo đảm chất lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường. Theo ông Châu, cái lợi lớn nhất khi tham gia mô hình là hộ nông dân được hướng dẫn chi tiết từ khâu thiết kế chuồng trại đến lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, an toàn sinh học. Bên cạnh đó, HTX còn bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, trực tiếp liên kết với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng đến từng hộ dân. Chăn nuôi ổn định và có cuộc sống tốt hơn chính là động lực để các hộ nông dân ngày càng gắn bó hơn với HTX. Hiện tại, HTX có 64 hộ nông dân tham gia mô hình chăn nuôi liên kết, với tổng đàn 4.000 con heo, 7.400 con gà, 400 con bò. Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 con heo, 1.500 - 2.000 con gà, 20-30 con bò.

Khu vực trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nhân An.
Khu vực trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nhân An.

Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn rất lớn, song song với chăn nuôi, HTX đã triển khai xây dựng mô hình trồng rau an toàn với tổng diện tích 7 ha, trồng trên 10 loại rau củ, trong đó 1 ha được đầu tư hệ thống nhà lưới, gắn camera giám sát. Quá trình trồng rau an toàn được tuân thủ theo đúng các quy trình kỹ thuật sản xuất như cách làm đất, sử dụng phân ủ hữu cơ tận dụng từ nguồn phế phẩm trong chăn nuôi. Nhờ đó đã hạn chế được sự phát sinh của sâu bệnh, kiểm soát được thời gian bón phân trước khi thu hoạch và bảo đảm về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho rau màu khi đến tay người tiêu dùng. Hiện, mỗi tháng HTX cung ứng khoảng 100 tấn rau củ các loại cho các trường mầm non trên địa bàn, các khu du lịch và các cửa hàng thực phẩm an toàn… với mức giá từ 25.000 - 50.000/kg. Mô hình chăn nuôi và trồng rau của HTX đi vào hoạt động ổn định đã góp phần tạo việc làm cho 18 lao động thường xuyên và 70 lao động thời vụ tại địa phương với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến đánh giá, thực tế cho thấy, hoạt động của HTX Nhân An đã mang lại hiệu quả ban đầu và tiềm năng phát triển với các tính ưu việt, như: quy trình nuôi trồng hữu cơ bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch, chuyển giao khoa học kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, hỗ trợ 100% cho những hộ nông dân thuộc hộ nghèo, bảo đảm khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra giúp nông dân giảm thiểu rủi ro, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần vào công cuộc giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Có thể nói, HTX Nhân An đã chọn cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương hiện nay, đặt nền móng cho việc hình thành chuỗi thực phẩm an toàn.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.