Multimedia Đọc Báo in

Khuyến công tập trung hỗ trợ cơ sở sản xuất quy mô nhỏ

09:11, 25/05/2018

Thời gian qua, hoạt động khuyến công đã mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ ở nông thôn, địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Trên địa bàn tỉnh có 7.000 doanh nghiệp cùng hàng nghìn hợp tác xã, cơ sở sản xuất, trong đó đa phần đều có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động manh mún, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó khăn trong việc đổi mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, mở rộng sản xuất. Đây là đối tượng được ngành Khuyến công ưu tiên tập trung các chương trình, đề án hỗ trợ. Theo đó, những ngành nghề được lựa chọn hỗ trợ là lĩnh vực có tiềm năng tại địa phương, gắn trực tiếp với nguồn nguyên liệu, lao động tại chỗ và nhu cầu thiết thực của các đơn vị.

Dây chuyền sản xuất hạt nhựa của cơ sở Minh Chiến (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) được chương trình khuyến công hỗ trợ.
Dây chuyền sản xuất hạt nhựa của cơ sở Minh Chiến (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) được chương trình khuyến công hỗ trợ.

Năm 2017, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Đại Nguyên (thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) được ngành Khuyến công chuyển giao Đề án hỗ trợ máy móc thiết bị trong dây chuyền chế biến cà phê bột công suất 60 kg nguyên liệu/mẻ, tổng kinh phí 250 triệu đồng. Với hệ thống chế biến này, chất lượng sản phẩm cà phê rang xay của công ty được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, năng lực sản xuất tăng lên nhiều lần và tạo thêm việc làm cho 5 lao động trên địa bàn, với thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Tương tự, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoa (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cũng được thụ hưởng đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị điêu khắc mỹ nghệ, công suất 1.000 sản phẩm/tháng” từ chương trình khuyến công địa phương với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở cho biết, do thiếu vốn đầu tư máy móc thiết bị nên trước đây cơ sở của gia đình bà chủ yếu chỉ sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, nhờ thụ hưởng đề án khuyến công, cơ sở có thể chế tác sản phẩm từ mi ca, kim loại với độ tinh xảo cao hơn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cán bộ khuyến công kiểm tra đề án khuyến công địa phương tại huyện Ea Kar.
Cán bộ khuyến công kiểm tra đề án khuyến công địa phương tại huyện Ea Kar. Ảnh. B.Thiên

Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), những đề án được chuyển giao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thẩm định kỹ lưỡng, ưu tiên những đề án phù hợp với nhu cầu thực tế và có tính ứng dụng cao, nhờ đó, các đơn vị thụ hưởng đã sử dụng hiệu quả qua đó nâng cao công suất, chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, do số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn nhiều trong khi nguồn kinh phí dành cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, nên số lượng, quy mô các đề án còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên khuyến công còn mỏng nên công tác khảo sát, xây dựng đề án gặp nhiều khó khăn.

Năm 2018 trên địa bàn tỉnh có 21 đề án khuyến công được triển khai với tổng kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng, trong đó có 13 đề án (4,1 tỷ đồng) hỗ trợ trực tiếp máy móc thiết bị cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các huyện M’Đrắk, Cư Kuin, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Ana, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Các cơ sở được lựa chọn chuyển giao đề án hoạt động trong các lĩnh vực có thế mạnh của từng địa phương như: chế biến cà phê, lúa gạo, cơ khí, điêu khắc mỹ nghệ, may mặc, thực phẩm, lưới thép và gạch không nung. Hiện ngành Khuyến công đang tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị thụ hưởng nhanh chóng hoàn tất thủ tục, đưa vốn chương trình vào đầu tư máy móc thiết bị. Bên cạnh đó, chương trình khuyến công cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng, trình độ tay nghề của người lao động và khả năng vận hành, máy móc, thiết bị… nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao năng lực quản lý điều hành, mở rộng quy mô hoạt động, xây dựng thương hiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.