Multimedia Đọc Báo in

Người dân xã Cư Yang mạnh dạn chuyển đổi cây trồng

08:42, 23/05/2018

Vài năm trở lại đây, nhiều diện tích đất kém hiệu quả đã được người dân ở xã Cư Yang (huyện Ea Kar) mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả, bước đầu mang lại nguồn thu đáng kể.

Trước đây, gia đình anh Nông Văn Phóng (thôn 8) có 2 sào đất đồi nhưng không biết trồng cây gì cho phù hợp. Sau khi được tham quan một số mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao ở các xã lân cận, năm 2014, anh Phóng quyết định mua 100 gốc giống vải U Hồng về trồng thử. Anh đã tìm đến các vườn vải ở xã Ea Sar, Ea Sô để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu thêm trên sách báo và mạng internet để nắm vững hơn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải. Nhờ được chăm sóc đúng cách cộng với chất đất, khí hậu khá phù hợp, nên sau 3 năm vườn vải của gia đình anh bắt đầu cho cho thu hoạch lứa đầu tiên. Vụ thu hoạch năm nay, vườn vải đạt sản lượng hơn 1 tấn, với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí có lãi hơn 30 triệu đồng. Anh đang dự tính sau khi thu hoạch xong vải sẽ tiến hành chiết, ghép cành để mở rộng diện tích trong thời gian tới. Theo anh, trồng vải công đoạn khó nhất là lúc khoanh vỏ để hãm cho cây ra hoa đậu quả, đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật và kinh nghiệm canh đúng thời tiết.

Người dân  xã Cư Yang thu hoạch  vải thiều.
Người dân xã Cư Yang thu hoạch vải thiều.

Sau khi thấy một số hộ trong thôn tiến hành tái canh lại vườn cà phê nhưng không đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Hưng (thôn 6) đã từ bỏ ý định cải tạo vườn cà phê già cỗi rộng 1 ha của gia đình. Năm 2013, ông Hưng mua 50 gốc vải U Trứng trồng thử. Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, ông Hưng thu được gần 1 tấn vải, thu lãi hàng chục triệu đồng. Thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, chi phí đầu tư ít, không tốn nhiều công chăm sóc mà lại cho hiệu quả kinh tế cao nên ông Hưng đã mạnh dạn chuyển đổi 5 sào đất trồng cà phê của gia đình sang trồng chuyên một số loại cây ăn quả như vải, nhãn. Theo ông Hưng thì so với các loại cây trồng khác, trồng cây ăn quả đơn giản hơn rất nhiều. Trong thời gian cây ra hoa đậu quả, chỉ cần cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng thì sẽ đạt năng suất cao.

Còn ông Dương Văn Tẹt (thôn 8) lại chọn giống táo Đài Loan để trồng thay thế cây lúa. Ông Tẹt cho biết, trước đây trên diện tích đất 6 sào của gia đình, ông đều trồng lúa 2 vụ nhưng lúa vụ hè thu thường bị thiếu nước nên năng suất lúa giảm sút rất nhiều. Năm 2016, ông mua 1.200 gốc táo Đài Loan ở Bắc Giang về trồng thử. Sau một năm trồng và chăm sóc, cây táo đã bắt đầu cho thu bói, nhưng muốn giữ sức cho cây nên ông Tẹt quyết định không thu hoạch mà chặt bỏ để tạo giàn mới cho cây. Theo tính toán của ông, với một cây táo ra bói đã cho thu hoạch khoảng 20 kg quả, còn táo kinh doanh sẽ là 60-80 kg quả. Với giá bán dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg như hiện nay, ông tin tưởng rằng cây táo sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trong thời gian tới.

Vườn táo của gia đình ông Dương Văn Tẹt (thôn 8, xã Cư Yang).
Vườn táo của gia đình ông Dương Văn Tẹt (thôn 8, xã Cư Yang).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Yang cho biết, xã có khoảng 2.000 đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa, đậu, ngô. Do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, mùa khô thường nắng nóng, khô hạn khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất. Do đó, chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2013, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn chuyển những diện tích đất trồng ngô, đậu, tiêu, cà phê kém hiệu quả sang trồng một số loại cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác. Hiện trên địa bàn xã, có khoảng 18 ha đất trồng vải thiều, trong đó có 3 ha đã cho thu hoạch.

Nhận thấy khí hậu, đất đai tại địa phương khá phù hợp để trồng cây ăn quả, năm 2017, xã đã chủ trương chuyển đổi 5 ha đất trồng ngô, đậu sang trồng thí điểm cây mãng cầu xiêm; đồng thời giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Cư Yang quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho người trồng cũng như tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Qua một năm trồng và chăm sóc, thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến năm nay, địa phương sẽ xuống giống thêm từ 5-10 ha cây mãng cầu xiêm nữa. Ban Nông nghiệp phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp xã Cư Yang sẽ liên hệ với các công ty, doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho cây ăn quả của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.