Người tiêu dùng cần biết tự bảo vệ quyền lợi khi bị xâm phạm
Bán hàng trong thời buổi cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp gia tăng thêm các loại hình dịch vụ, chăm chút hơn khâu hậu mãi, ưu đãi để thu hút khách hàng mua hàng hóa tại cửa hàng của mình. Những dịch vụ “cộng thêm” này mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Thế nhưng trong thực tế, hoạt động sau bán hàng của một số doanh nghiệp (DN) đã khiến không ít người tiêu dùng trên địa bàn thất vọng.
Đã có không ít trường hợp, sản phẩm mua về bị sự cố, khách hàng phản ánh, DN tỏ ra thiếu trách nhiệm, không chịu chấp nhận sản phẩm mình bán ra bị lỗi hoặc bảo hành một cách chiếu lệ khiến khách hàng đâm ra nản, rồi… bỏ cuộc (!). Lúc đi mua hàng, họ là “thượng đế” của cửa hàng đó với dịch vụ được cho là phục vụ “tận răng”, nhưng khi xảy ra sự cố, phía DN bảo hành sơ sài hoặc cố tình dây dưa kéo dài. Đặc biệt là DN thường viện nhiều lý do liên quan đến kỹ thuật rồi buộc người tiêu dùng phải bỏ thêm một số tiền ra để thay thế. Mà riêng lý do lỗi kỹ thuật thì người tiêu dùng đành… “bó tay”!
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh tiến hành giải quyết một vụ khiếu nại của người tiêu dùng. |
Từ câu chuyện trên, thiết nghĩ, người tiêu dùng phải biết chọn cách tự bảo vệ lợi ích cho mình. Trong đó, phải luôn ghi nhớ một số điều cơ bản: Thực hiện đầy đủ một trong những quyền của khách hàng là quyền được thông tin. Kiên quyết không mua hàng trôi nổi, đọc nhãn hàng hóa để xem nguồn gốc, xuất xứ, cách thức sử dụng; lấy hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán. Đặc biệt, xem kỹ các thỏa thuận về điều kiện cam kết bảo hành vì trong những giấy tờ này luôn có cả trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người bán, trao đổi kỹ các thỏa thuận giữa hai bên. Trên thực tế khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ, không nhiều người chịu đọc kỹ và đối chiếu những điều khoản, chi tiết này với thực tế nên dẫn đến nhiều thua thiệt về sau... Ngoài ra, còn có thể tìm đến cơ quan chức năng như Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở các huyện hoặc của tỉnh (số 49 Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột) để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp, chỉ đến khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng thì DN mới chịu nhận sai sót về phần mình và đền bù thỏa đáng cho người tiêu dùng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc