Phòng chống bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc: Chủ động trong công tác tiêm phòng
Thời tiết vùng Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, đây là thời điểm dễ phát sinh dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Do đó, các địa phương đang chủ động triển khai công tác tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ miễn dịch trong đàn.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 39.750 con trâu, 234.637 con bò. Trong năm 2017, tình hình dịch bệnh LMLM gia súc xảy ra với những diễn biến khá phức tạp, có 10 xã thuộc 7 huyện, thị xã và TP. Buôn Ma Thuột có ổ dịch làm 972 con trâu, bò, heo bị mắc bệnh, trong đó chết và tiêu hủy 79 con. Nặng nhất là huyện Buôn Đôn với 481 con bị mắc bệnh, chết và tiêu hủy 13 con; kế đến là huyện Krông Búk với 175 con mắc bệnh, chết 35 con. Đáng chú ý là trong năm 2017 dịch LMLM còn xảy ra trên đàn heo, với 35 con bị mắc bệnh, phải tiêu hủy 31 con.
Cán bộ thú y đang tiêm phòng vắc xin cho đàn bò ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin). |
Để tránh xảy ra nguy cơ bùng phát dịch như năm trước, năm 2018, công tác tiêm phòng được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là chuẩn bị đầy đủ nguồn vắc xin LMLM để triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc kịp thời, tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% so với tổng đàn, bảo đảm miễn dịch cho đàn. Trong đợt I năm 2018, Chi cục đã phân bổ 162.000 liều vắc xin LMLM nhị giá typ O+A cho 15 huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch tiêm phòng bệnh LMLM. Để công tác tiêm phòng được triển khai thuận lợi, các Trạm Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng thú y cơ sở về quy trình sử dụng vắc xin, bao gồm các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm…; UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, phường và chỉ đạo các xã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai tiêm phòng thuận lợi, bảo đảm nhanh gọn, đúng thời gian nhằm phát huy tối đa hiệu quả của vắc xin. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động những hộ chăn nuôi không nằm trong đối tượng ưu tiên chủ động mua vắc xin để tiêm phòng cho gia súc theo quy định.
Theo ông Hoàng Anh Dũng, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 13.000 con trâu, bò. Trong đợt này, Trạm triển khai tiêm trên 7.000 liều, trong đó tập trung cho xã Cư Êbur 1.200 liều, vì ở đây có ổ dịch cũ và có nhiều gia súc nhằm khống chế mầm bệnh trước khi phát sinh thành dịch. Đến thời điểm này các địa phương cũng đã tiêm được khoảng 70% liều kế hoạch, người dân hợp tác tốt do ý thức phòng bệnh cho vật nuôi để bảo vệ tài sản của gia đình đã được nâng lên.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thống kê những con mới tiêm mũi đầu tiên để tiêm nhắc lại mũi 2 sau 28 ngày vì đàn vật nuôi quy mô nông hộ thường biến động do người dân bán đi để lấy tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. |
Tại huyện Cư Kuin, công tác tiêm phòng LMLM cũng đang được triển khai quyết liệt. Trong đợt I năm 2018, huyện tiêm 8.000 liều vắc xin cho trâu, bò, tính đến nay đã tiêm được trên 5.000 liều. Theo ông Lê Văn Chín, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, công tác tiêm phòng diễn ra thuận lợi là do được UBND huyện quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc. Đặc biệt, Trạm phối hợp chặt chẽ với các xã trong công tác giám sát, kiểm tra kịp thời các thôn, buôn trong quá trình triển khai tiêm phòng. Theo đó, hầu hết các xã đều lên lịch tiêm phòng, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chấp hành công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
Cán bộ thú y xã Cư Êbur cố định bò vào chuồng để thực hiện tiêm phòng. |
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, đến thời điểm này các địa phương đã tiêm được khoảng 60%. Tuy nhiên, hiện các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến thời tiết phức tạp, mưa nhiều vào buổi chiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ tiêm phòng, vì mưa ướt khiến chuồng lầy lội, trơn trượt, cán bộ thú y rất khó tiêm. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm phòng, còn phó mặc cho hệ thống thú y xã; người chăn nuôi còn chủ quan lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi... Song khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là việc thống kê những con mới tiêm mũi đầu tiên để tiêm nhắc lại mũi 2 sau 28 ngày vì đàn vật nuôi quy mô nông hộ thường biến động do người dân bán đi để lấy tiền phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, nhiều khi cán bộ thú y quay lại thì con gia súc đó không còn ở hộ đó. Điều này rất nguy hiểm, bởi những con mới tiêm 1 mũi không đáp ứng được miễn dịch, đây cũng là một nguyên nhân gây dịch LMLM bùng phát.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc