Multimedia Đọc Báo in

Tái cơ cấu ngành trồng trọt: Bắt đầu từ đâu? (Kỳ 1)

08:42, 15/05/2018

Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp Đắk Lắk, đến năm 2016 trồng trọt chiếm trên 73% tỷ trọng ngành hàng; giai đoạn 2016-2020 Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp xác định tỷ trọng trồng trọt từ 70-72%. Điều đó cho thấy trồng trọt vẫn luôn chiếm vị trí trọng yếu, đòi hỏi phải có những bước đi vững chắc, tạo tiền đề, sức bật để tái cơ cấu thành công ngành Nông nghiệp trước thách thức của hội nhập.

Kỳ 1: Trồng tự phát, nông dân ngậm vị đắng

Hàng chục năm nay, vị thế của ngành Nông nghiệp địa phương đã được định hình với những loại cây công nghiệp lâu năm có thế mạnh mang tầm cỡ thế giới như: cà phê, hồ tiêu, cao su… Nhưng khi hội nhập, những loại cây trồng này chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ các quốc gia trên thế giới thì nông dân lại loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán làm thế nào để có hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Từ cây công nghiệp dài ngày

Định hình sớm nhất trong các loại cây trồng chính ở Đắk Lắk phải nói đến cây cà phê. Loại cây này có mặt và gắn bó với nhiều thế hệ nông dân trong gần 100 năm qua đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, thay đổi cuộc sống, diện mạo nông thôn Đắk Lắk. Đến cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI giá cà phê tăng mạnh, cán mốc 40.000 đồng/kg trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất. Thấy lợi lớn, nhiều nông dân đổ xô trồng cà phê khiến diện tích tăng nhanh chóng lên 170.000 ha vào niên vụ 2007-2008, hơn 200.000 ha niên vụ 2010-2011, hơn 203.000 ha niên vụ 2014-2015. Đến đầu năm 2014, giá hồ tiêu bắt đầu tăng cao và chạm đỉnh vào năm 2015 ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg nên nông dân lại ồ ạt chuyển đổi các cây trồng khác, trong đó có cà phê, sang trồng tiêu. Đến cuối năm 2017, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt đỉnh điểm lên đến hơn 42.560 ha, vượt hơn 150% so với quy hoạch định hướng đến năm 2020. Điều đáng nói là nhiều nông dân bất chấp quy hoạch, trồng tiêu trên những vùng đất không thích hợp, thậm chí chặt bỏ điều, cà phê, cao su đang thời kỳ kinh doanh để trồng tiêu hay trồng xen cây tiêu trên bất cứ cây trồng nào có thể làm trụ như cao su, điều, cau…

Chế biến cà phê chất lượng cao tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.
Chế biến cà phê chất lượng cao tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi.

Hiện nay, khi giá hồ tiêu đang ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg, (tháng trước  chạm đáy 55.000-56.000 đồng/kg) thì nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì trồng tiêu vào đúng thời điểm giá đạt đỉnh cao nên chi phí đầu tư tăng, buộc họ phải vay vốn ngân hàng để sản xuất, nay cho thu hoạch giá lại giảm không đủ để trả nợ. Chưa hết, do trồng tiêu ở những vùng đất không thích hợp nên khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi thì dịch bệnh bùng phát gây hại, nếu phòng trị thì chi phí đầu tư tiếp tục tăng trong khi vốn sản xuất không còn nên nông dân bỏ bê vườn tược khiến dịch bệnh hoành hành nặng nề hơn. Trong khi đó, giá điều có dấu hiệu tăng trở lại khi đạt mốc trên dưới 40.000 đồng/kg sau nhiều năm chạm đáy thì người dân lại không còn điều để thu hoạch. Do đó, một số nông dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo lại chuyển hướng sang trồng điều trên những diện tích trước đây đã từng trồng điều.

… đến cây ngắn ngày

Không chỉ cây công nghiệp chủ lực dài ngày, hiện nay nông dân trồng gừng, nghệ đang đứng ngồi không yên khi giá nghệ liên tục tuột dốc do cán cân thương mại bị khủng hoảng. Nguồn cung gừng, nghệ tăng đột biến trong thời gian ngắn,  trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gừng, nghệ không tăng khiến giá giảm mạnh từ trên 10.000 đồng/kg xuống còn gần 3.000 đồng/kg nghệ tươi, 4.000 đồng/kg gừng tươi. Chưa hết, giá giảm nhưng không có người mua, nếu để lâu thì chất lượng gừng, nghệ giảm mạnh buộc nông dân phải thu hoạch và  thái phơi dự trữ chờ giá lên. Tuy nhiên bản thân củ nghệ, gừng là loại gia vị vừa có tinh dầu vừa có tinh bột, nếu không tuân thủ quy trình sơ chế và có nhà kho bảo đảm chất lượng hay gặp thời tiết bất lợi thì nguy cơ bị mốc, thối rất cao. Thực tế thì năm 2017 đã có một số nông dân và doanh nghiệp sau khi thu hoạch nghệ về bảo quản không đúng kỹ thuật đã bị thối hàng chục tấn nghệ tươi chỉ trong khoảng thời gian hơn 3 tháng.

Theo Đề án tái cơ cấu thì ngành Nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thời kỳ 2016 - 2020 đạt 4,5 - 5,0%, trong đó trồng trọt 3,4 - 3,9%, chăn nuôi 6 - 7%, dịch vụ 7 - 8%, lâm nghiệp 2 - 2,5%, thủy sản 5,5 - 6%. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong ngành Nông nghiệp đạt 70 - 72%.

Phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch không chỉ khiến nông dân phải ngậm vị đắng thời gian dài mà còn khiến vị thế ngành hàng trên trường quốc tế bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Điển hình như thực trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đã bị các thị trường Nhật Bản, EU từ chối nhập khẩu vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu hạt. Cuối năm 2017, Ấn Độ cũng ra “tối hậu thư” cảnh báo khi thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc sẽ hạn chế nhập khẩu hồ tiêu giá rẻ thông qua thị trường Sri Lanka vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao. Để thực hiện điều đó, Ấn Độ tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm, đặc biệt là hàm lượng hóa chất trong các lô hồ tiêu của Việt Nam. Điều này khiến cho thị trường hồ tiêu trở nên trầm lắng hơn trong cơn tuột giá kéo dài từ cuối năm 2016 đến nay.

Kiểm tra nội bộ quá trình thu hoạch cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15.
Kiểm tra nội bộ quá trình thu hoạch cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê 15.

Lẽ dĩ nhiên không phải nông dân nào cũng chạy đua theo phong trào và mọi biện pháp siết chặt hoạt động kiểm soát chất lượng nông sản của các nước nhập khẩu đều có lý hoàn toàn hay chỉ là biện pháp thương mại, nhưng rõ ràng nó tác động rất lớn đến ngành hàng. Và bản thân câu chuyện vượt quy hoạch không chỉ đơn thuần là cán cân thương mại cung - cầu nữa mà là sự sống còn của toàn ngành hàng bởi sự liên đới trong việc sử dụng quỹ đất để sản xuất. Như vây, vấn đề đặt ra ở đây là làm như thế nào để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đưa nông sản vượt qua các rào cản thương mại, từ đó nâng cao vị thế ngành hàng trên trường quốc tế. Điều đó đòi hỏi các tác nhân trong ngành cần có những giải pháp, hướng đi hiệu quả để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và sự phát triển bền vững ngành hàng.

(Còn nữa)

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.