Tái cơ cấu ngành trồng trọt: Bắt đầu từ đâu? (Kỳ cuối)
[links(left)]
Kỳ cuối: Gỡ nút thắt cho tái cơ cấu
Đề án Tái cơ cấu ngành được xây dựng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tuy nhiên đến nay việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, trọng tâm là ngành cà phê vẫn còn chậm vì gặp khó khăn do tác động chung của bối cảnh kinh tế cũng như nội thân ngành còn nhiều bất cập.
Những khó khăn hiện hữu
Dễ dàng nhận thấy bối cảnh tái cơ cấu ngành trồng trọt khá đặc biệt bởi ngoài sức ép của hội nhập khiến nhiều nông sản chủ lực bị giảm giá mạnh, ngành còn chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Những tác động đó hiện hữu trên từng năm, qua từng mùa vụ; năm nào thời tiết thuận lợi thì được mùa, chất lượng tốt, ngược lại là mất mùa, chất lượng nông sản giảm so với trung bình nhiều năm, không loại trừ cây cà phê. Mặt khác, hiện nay trên 85% diện tích cà phê vẫn đang nằm trong dân theo quy mô nhỏ lẻ, trong khi đó việc dồn điền đổi thửa khó thực hiện bởi cà phê là cây trồng dài ngày, chu kỳ kinh doanh kéo dài hàng chục năm nên về cơ bản nông dân không có nhu cầu. Chưa hết, qua khảo sát thực tế của Sở NN-PTNT năm 2016, diện tích cà phê già cỗi có nhu cầu tái canh của các địa phương tăng mạnh, cụ thể giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh cần tái canh 32.335 ha, tăng hơn 65% so với kế hoạch tái canh đã được phê duyệt tại Quyết định số 54/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk năm 2014. Trong khi đó việc tái canh cà phê ngày càng khó khăn do chi phí tái canh tăng theo thời gian, từ 100 triệu đồng/ha năm 2012 tăng lên 150 triệu đồng/ha năm 2015 và hiện tại là hơn 200 triệu đồng/ha. Mặt khác đa số nông dân gặp khó về tái canh do chủ yếu sống dựa vào cà phê, nhưng khoảng thời gian tái canh đến khi cho thu hoạch lại kéo dài từ 3-5 năm (tùy vào mật độ tuyến trùng trong đất). Cùng với đó, nông dân hiện nay vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi dành cho tái canh vì những điều kiện đi kèm khiến cho việc tái canh vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Người dân tham quan mô hình cà phê bền vững tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Còn xét về chuỗi giá trị, hiện nay nông dân - người trực tiếp làm ra sản phẩm - mới chỉ nắm chưa đến 10% lợi nhuận do hạt cà phê mang lại, bởi đa phần sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng nhân xô, nguyên liệu. Vì vậy muốn tăng giá trị ngành hàng buộc phải đẩy mạnh chế biến sâu và quảng bá thương hiệu; để làm được điều đó thì hiện tại ngành vẫn còn thiếu nguồn nhân lực, đối tác, đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư tương xứng để thực hiện.
Tận dụng mọi nguồn lực để tái cơ cấu
Theo nhận định của các chuyên gia, tái cơ cấu ngành trồng trọt tuy mới chỉ xây dựng được kế hoạch, nhưng trên thực tế các địa phương đã và đang tận dụng mọi nguồn lực để triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu từ lâu bởi đây là đề án mang tính định hướng chung theo thời kỳ được xây dựng dựa trên những thế mạnh, tiềm năng của từng vùng đất. Điển hình như việc phát triển và xây dựng vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, Công ty TNHH MTV Cà phê 15… Đặc biệt nông dân, HTX, doanh nghiệp đã bắt tay cùng nhau đa dạng hóa phương pháp chế biến để tạo nên những dòng cà phê khác biệt từ nguồn nguyên liệu sẵn có như cà phê chế biến ướt, cà phê mật ong, cà phê truyền thống. Đồng thời, đầu tư phương tiện, máy móc chế biến sâu các sản phẩm như cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan… nhằm đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt để tận dụng hội nhập để phát triển, bên cạnh lựa chọn lối đi riêng thì các doanh nghiệp còn liên kết với nhau để xây dựng thương hiệu chung cho toàn ngành. Riêng niên vụ cà phê 2017-2018 có 12 đơn vị được cấp quyền Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, tăng 2 đơn vị so với niên vụ 2016-2017 với tổng diện tích 12.400 ha, sản lượng 40.605 tấn.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thăm vườn cà phê tái canh bền vững ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Ngày 28-6-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg (Quyết định 923) phê duyệt chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Trong đó có nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương để phân bổ cho các địa phương thực hiện tái cơ cấu. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, kinh phí vẫn là khó khăn lớn nhất đối với ngành khi thực hiện tái cơ cấu. Hiện tại Sở NN-PTNT đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch trình Chính phủ xin phân bổ nguồn ngân sách Trung ương từ Quyết định 923 để lồng ghép thực hiện đề án tái cơ cấu ngành. Song song với đó, ngành cũng đang tận dụng các nguồn lực từ Đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) nhằm gia tăng giá trị ngành hàng. Hiện tại hợp phần chuyển đổi cà phê bền vững của Dự án VnSAT đã và đang hỗ trợ rất nhiều cho nông dân thông qua hoạt động tập huấn sản xuất, tái canh cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, kho bảo quản nông sản; vốn vay tái canh...
Hy vọng rằng với những nỗ lực, quyết tâm của các tác nhân, ngành trồng trọt sẽ tái cơ cấu thành công ngành cà phê để tạo sức bật phát triển toàn ngành trong tương lai.
Đến năm 2020 toàn tỉnh có 3 dự án tập trung phát triển bền vững ngành hàng cà phê với tổng số vốn hơn 12.700 tỷ đồng. Trong đó, hơn 6.700 tỷ đồng từ Dự án Phát triển thủy lợi trong vùng cà phê bền vững, hơn 270 tỷ đồng từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, hơn 5.695 tỷ đồng từ Đề án Phát triển cà phê bền vững. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc