Tìm giải pháp gỡ khó cho nông sản VietGAP
Nông nghiệp sạch, an toàn là hướng đi tất yếu của ngành trong tương lai, nhưng hiện nay việc duy trì và mở rộng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều trở ngại.
Nhiều khó khăn
Manh nha tại Đắk Lắk từ cuối những năm 2011, đến nay người sản xuất và người tiêu dùng đã có những định hình nhất định về sản xuất và tiêu thụ nông sản VietGAP. Chất lượng sản phẩm VietGAP được đánh giá cao thông qua sự kiểm chứng của cơ quan quản lý chuyên môn và quá trình sử dụng thực tế nên người tiêu dùng tìm đến chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị... trên địa bàn ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc duy trì và nhân rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP để tạo nguồn hàng đa dạng, ổn định tại các huyện hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, toàn tỉnh hiện nay có 16 cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, nhưng tập trung chủ yếu ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar, Buôn Đôn. Trong khi đó nhiều địa phương đến nay vẫn chưa có mô hình nào hoặc đã có nhưng sau khi hết thời gian hỗ trợ thực hiện mô hình thì chủ vườn không duy trì nữa như huyện M’Đrắk, Krông Bông, Krông Pắc… Theo lý giải của các địa phương, sở dĩ việc phát triển mô hình VietGAP gặp nhiều khó khăn do đa phần đều là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhu cầu chưa cao hoặc có nhu cầu, nhưng lại thiếu vốn đầu tư để duy trì chứng nhận VietGAP.
Người tiêu dùng tìm hiểu về nông sản an toàn tại Hội nghị kết nối thương mại mô hình sản xuất cam, quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Chưa hết, các cửa hàng kinh doanh nông sản VietGAP và cơ sở sản xuất có một lượng khách hàng ổn định, nhưng thực tế vẫn còn chịu tác động lớn từ thị trường chung. Bà Trần Thị Hoài Nga, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân chăn nuôi Hoàng Minh Phát (huyện Buôn Đôn) cho hay, tổng vốn đầu tư trang trại của công ty khoảng 4 tỷ đồng, được xây dựng theo quy trình chăn nuôi khép kín. Đặc biệt là khâu kiểm soát dịch bệnh được thực hiện tỉ mỉ, khắt khe, con giống, thức ăn, thuốc thú y cũng được kiểm tra chặt chẽ trước khi sử dụng. Với quy trình sản xuất như vậy, sản phẩm đưa ra thị trường đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn rất cao. Tuy nhiên thời điểm đàn heo xuất chuồng (cuối năm 2017) trúng lúc giá heo hơi trên thị trường chạm đáy kéo dài đến nay khiến đơn vị vẫn chưa thu hồi vốn nên hiện tại gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và mở rộng sản xuất.
Tăng cường kết nối theo chuỗi
Để nhân rộng mô hình VietGAP, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đang phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ sử dụng nguồn vốn khoa học công nghệ hằng năm của Sở để nghiên cứu, xây dựng các mô hình VietGAP theo chuỗi cho các địa phương. Ngoài ra, Chi cục đang phối hợp với Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn tham quan, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã ở TP. Hồ Chí Minh với Đắk Lắk vào cuối tháng 5-2018. Theo kế hoạch, phía TP. Hồ Chí Minh sẽ có 60 đại biểu đến tham quan các mô hình sản xuất cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi, cây ăn quả, rau sạch… sau đó tham gia tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên để cùng tháo gỡ vướng mắc nhằm nhân rộng các mô hình nông nghiệp sạch, an toàn. Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phân tích, ngành Nông nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực chất lượng cao với trình độ sản xuất mới, đã và đang ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là có những đơn vị đang là đối tác của khách nước ngoài nên đây là cơ hội lớn để nông dân trong tỉnh học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Còn Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu mà phía TP. Hồ Chí Minh đang cần nên mở ra nhiều cơ hội hợp tác sản xuất nông sản chất lượng cao để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.
Một vườn xoài đạt chứng nhận VietGAP đầu tiên ở huyện Ea Súp. |
Người tiêu dùng trong nước hiện nay đang có nhu cầu rất lớn về thực phẩm an toàn trong khi đó tại Đắk Lắk nông sản VietGAP lại gặp khó về đầu ra. Hy vọng rằng chương trình sẽ được tổ chức thành công để kết nối nhiều nông sản theo chuỗi từ sản xuất ở Đắk Lắk đến tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh, tạo bước đột phá mới trong quá trình phát triển nông nghiệp theo chuỗi.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, các huyện, thị xã, thành phố hiện có nhu cầu vốn để sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP lên đến 5,9 tỷ đồng. Trong khi đó nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình rất hạn chế, riêng năm 2018 chỉ có 90 triệu đồng để thực hiện 2 mô hình. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc