Buôn Ma Thuột trên hành trình xây dựng đô thị thông minh
Với vị trí đặc biệt quan trọng trong khu vực Tây Nguyên, việc xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh là xu hướng phát triển tất yếu.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị
Đề án xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh được UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) ký kết ngày 12-1-2017. Đến nay, Đề án đã hoàn thành dự thảo lần 2 với tầm nhìn hướng đến TP. Buôn Ma Thuột xây dựng đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông và các phương tiện khác. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, TP. Buôn Ma Thuột cơ bản trở thành đô thị thông minh, đô thị trung tâm hiện đại kết nối chiến lược với khu vực Tây Nguyên.
“Để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Đến nay, 100% UBND phường, xã, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng mạng LAN nội bộ, kết nối Internet cáp quang tốc độ cao, tiếp nhận và xử lý văn bản qua mạng; thành phố đã cung cấp 276 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp thành phố và cấp xã, phường theo cơ chế Một cửa điện tử liên thông; có 42 thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 (nộp hồ sơ qua mạng)...”, ông Trương Công Thái, Chủ tịch UBND thành phố cho biết.
Người dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tra cứu thông tin về phát triển sản xuất trên hệ thống thư viện điện tử. |
Song song đó, UBND thành phố cũng đã triển khai lắp đặt thí điểm hệ thống camera an ninh tại phường Thống Nhất, góp phần hỗ trợ cho các cơ quan an ninh thực hiện chức năng giám sát, bảo đảm an ninh trật tự; sắp tới sẽ nhân rộng tại các xã, phường trên toàn thành phố. Đối với công tác quy hoạch đô thị, việc hình thành các khu dân cư, các công trình thương mại dịch vụ, hạ tầng xã hội theo dự án phát triển đô thị được quan tâm đầu tư. Cụ thể, tổng diện tích đã và đang lập quy hoạch phân khu là 93,22 km2, chiếm tỷ lệ gần 92% diện tích đất nội thành; tỷ lệ nhựa hóa hệ thống giao thông đường bộ toàn thành phố đạt 78,54%...
Cùng với những nỗ lực của UBND TP. Buôn Ma Thuột, các ban, ngành trên địa bàn cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực chuyên môn. Đơn cử như ngành Y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trạm y tế xã (29 trạm y tế xã, phường ở TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin); sử dụng phần mềm quản lý thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng Bộ Y tế; ứng dụng chữ ký số trong việc tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính trong lĩnh vực trang thiết bị y tế; xây dựng hệ thống giao ban trực tuyến với 20 điểm cầu của 15 huyện, thị xã, thành phố để triển khai các nhiệm vụ của ngành, tập huấn, đào tạo trực tuyến, giảm chi phí trong việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị…
Xây dựng cộng đồng dân cư văn minh
Thành phố thông minh không đơn thuần là áp dụng công nghệ cao vào công tác quản lý đô thị bởi đây chỉ mới là điều kiện cần mà quan trọng nhất tìm giải pháp tận dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương trong quá trình đô thị hóa; nâng cao khả năng kết nối, thu nhận thông tin phản hồi đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính, cơ quan quản lý nhà nước...
Giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa UBND TP. Buôn Ma Thuột. |
Quan trọng hơn nữa là cần xây dựng được cộng đồng dân cư văn minh. Người dân chính là chủ thể được phục vụ, đồng thời cũng là một trong các chủ thể xây dựng thành phố thông minh. Do đó, nhận thức của người dân cũng phải thực sự thay đổi. Cụ thể như: nếu như chính quyền thiết lập hệ thống thu rác thải có phân loại, nhưng người dân vẫn cứ vứt rác bừa bãi thì hệ thống đó cũng vô ích; khi thành phố xây dựng hệ thống chính quyền điện tử và thực hiện các giải pháp thông minh bằng sản phẩm công nghệ thông tin thì người dân cũng phải vào mạng, tự đọc, tự khai, tự thực hiện các yêu cầu. Đối với lĩnh vực giao thông, chính quyền xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng thì người dân phải ủng hộ bằng cách tham gia đi lại bằng phương tiện công cộng…
Vì vậy, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh cũng là mục tiêu, yếu tố quan trọng để thành phố hướng đến trên hành trình trở thành đô thị thông minh.
Đề án Xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh được chia làm 2 giai đoạn (2018-2022 và 2023-2030). Trong đó, giai đoạn 2018-2022 sẽ nâng cấp hạ tầng ICT sẵn sàng cho đô thị thông minh, thiết lập nền tảng công nghệ chung cho đô thị thông minh, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; triển khai xây dựng chính quyền số song song với việc tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử; các lĩnh vực trọng tâm với vấn đề bức thiết liên quan đến người dân như: dịch vụ công, an ninh an toàn, y tế, du lịch, giáo dục và giao thông… |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc