Multimedia Đọc Báo in

Ea Kar hướng đến vùng sản xuất lúa giống trọng điểm của tỉnh

09:27, 18/06/2018

Nằm dọc Quốc lộ 26, có địa hình khá bằng phẳng với nhiều cánh đồng lúa trù phú, cư dân có kinh nghiệm, trình độ sản xuất nông nghiệp cao là điều kiện thuận lợi để Ea Kar phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất lúa giống.

Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, tổng diện tích canh tác toàn huyện là 50.000 ha, trong đó có 6.000 ha chuyên trồng lúa nước với gần 70 công trình thủy lợi, 14 trạm bơm tưới chủ động phục vụ nước tưới cho khoảng 4.500 ha lúa nước và trên 4.000 ha cây trồng khác. Ngoài ra, hệ thống sông Krông Pắc, Krông Năng chảy qua hằng năm bổ sung một lượng phù sa nhất định và cung cấp nước tưới cho nhiều diện tích còn lại. Đặc biệt, Ea Kar chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa và cao nguyên mát dịu nên thời tiết trong năm có hai mùa rõ rệt (mùa mưa và mùa khô), lượng mưa trung bình hằng năm dao động từ 1.800 mm - 2.000 mm rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Phát huy lợi thế đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân trên địa bàn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hình thành nên các cánh đồng lúa tám tấn (năng suất bình quân 8 tấn/ha) ở xã Cư Ni, Ea Ô, Ea Kmút… cũng như sản xuất lúa giống chất lượng cao cung cấp nguồn giống bảo đảm cho cả trong và ngoài tỉnh.

Ông Phan Quê (thôn 4, xã Ea Kmút) khử lúa lẫn trước khi thu hoạch.
Ông Phan Quê (thôn 4, xã Ea Kmút) khử lúa lẫn trước khi thu hoạch.

Điển hình là Công ty TNHH MTV Cà phê 721 Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Công ty  cho hay, vụ đông xuân 2017-2018 đơn vị phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương, Công ty TNHH Mahyco Việt Nam, Công ty Cổ phần Đại Thành sản xuất 75 ha lúa giống F1 là GS 55 (16 ha, giá thu mua cho bà con 33.000 đồng/kg), Nam Ưu (23 ha, giá thu mua 32.000 đồng/kg), Nhị Ưu 838 (hơn 36 ha, giá thu mua 30.000 đồng/kg) và 33 ha lúa giống xác nhận ML 48 (giá thu mua cao hơn lúa thịt 900 đồng/kg). Toàn bộ quá trình sản xuất được đơn vị phối hợp với các công ty giống giám sát chặt chẽ nên chất lượng lúa giống cuối vụ được đối tác đánh giá cao.

Với tổng diện tích sản xuất bình quân hằng năm khoảng 90.000 ha lúa, Đắk Lắk cần một lượng lúa giống khá lớn. Do đó việc xây dựng Ea Kar thành vùng sản xuất lúa giống trọng điểm, chuyên nghiệp sẽ giúp địa phương chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng và bà con nông dân yên tâm sản xuất.

 

Tương tự, HTX Nông nghiệp 714 cũng có thâm niên sản xuất lúa giống khoảng 10 năm nay với các doanh nghiệp liên kết là  Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương… Theo đó, khi có đơn đặt hàng của các công ty giống là HTX tổ chức họp, lấy ý kiến xây dựng phương án sản xuất để triển khai đến từng thành viên nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa đơn vị đặt hàng, HTX và các thành viên nên chất lượng lúa giống thành phẩm luôn bảo đảm, được bao tiêu toàn bộ. Ông Vũ Xuân Thu, Giám đốc HTX chia sẻ, cái khó khăn nhất của sản xuất lúa giống là vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Bởi nếu diện tích sản xuất lúa giống bị nhiễm bệnh thì chất lượng cuối vụ không bảo đảm và doanh nghiệp đặt hàng sẽ không thu mua. Vì vậy vụ đông xuân 2017-2018 HTX  tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 218/345 ha ruộng trồng lúa sang trồng khoai lang Nhật để cải tạo đất, cắt mầm mống sâu bệnh sau hàng chục năm sản xuất lúa.

Cán bộ quản lý Công ty TNHH MTV Cà phê 721 kiểm tra thực địa tại vùng sản xuất lúa giống của đơn vị.
Cán bộ quản lý Công ty TNHH MTV Cà phê 721 kiểm tra thực địa tại vùng sản xuất lúa giống của đơn vị.

Bên cạnh những lợi thế có sẵn cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân thì hiện nay Ea Kar vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc sản xuất lúa giống như hệ thống kênh mương một số khu vực chưa bảo đảm, thiếu công nghệ sản xuất (máy móc, giống), thị trường tiêu thụ, hệ thống giao thông nội đồng chưa đảm bảo… Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện phân tích, tùy vào từng năm, từng mùa vụ mà diện tích liên kết sản xuất lúa giống (lúa F1 và lúa xác nhận) khác nhau, dao động từ 300-500 ha/năm. Những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến bất thường khiến việc sản xuất lúa giống gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó để Ea Kar thực sự trở thành vùng sản xuất lúa giống thì huyện rất cần sự hậu thuẫn của ngành chức năng trong việc chuyển giao các ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất giống. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi về vốn giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại trong sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm để có thêm cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.