Giao thông trở ngại, người dân khốn khó
Tại một số nơi trên địa bàn tỉnh, tình trạng hạ tầng giao thông xuống cấp đã gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Từ đi xe quấn xích
Buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) có hơn 200 hộ với 1.000 nhân khẩu. Đường vào buôn là con đường đất dài gần 4 km mùa nắng bụi mù, mùa mưa lầy lội. Chị Nguyễn Thị Phương, một người dân trong buôn chia sẻ, đã 10 năm kể từ khi rời quê Quảng Ngãi vào buôn lập nghiệp chị “gắn bó” với con đường đất này. Mùa mưa đường trơn hơn mỡ, xe không đi nổi, chị và các hộ dân khác nghĩ ra cách quấn thêm xích vào bánh xe. Người lớn đi đã khó, trẻ em đi học càng khổ hơn. Phụ huynh phải đèo ngày 2-4 lần đưa con đến trường, lắm hôm trượt té ướt hết quần áo, sách vở. Nhiều phụ huynh đành gửi con về quê để tiện đi học. Ông Lê Cao Vinh, Bí thư Chi bộ buôn Cư Yuốt cho hay, cuộc sống của người dân trong buôn gặp nhiều khó khăn vì con đường. Mùa mưa, đường lầy lội, nhão nhoẹt, xe máy, xe cày muốn đi phải quấn xích còn không thì lội bộ. Tội nhất là người đau ốm, phụ nữ đi sinh hay trẻ em đi học rất vất vả. Hằng năm, người dân trong buôn đều góp tiền san ủi, đổ đất đi tạm nhưng chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó.
Người dân buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk đi xe máy phải quấn xích ở lốp. |
Tương tự, người dân ở 6 buôn gồm: Ea Uôl, Ea Lang, Cư Rang, Cư Tê, Ea Bar, Ea Rớt thuộc xã Cư Pui (huyện Krông Bông) cũng gặp khó khăn vì giao thông cách trở. Con đường duy nhất nối các buôn với trung tâm xã là cầu treo buôn Khóa nhưng đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Anh Vàng A Tráng (thôn Cư Tê, xã Cư Pui) kể, năm 2017 gia đình trồng hơn 2 ha sắn nhưng chỉ thu hoạch một nửa, còn lại bỏ ngoài rẫy vì trời mưa, không qua suối được. Sắn thu về bán cũng không lãi bởi chi phí thuê xe chở nhiều đợt qua cầu treo buôn đã ngốn hết. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, cầu treo buôn Khóa xây dựng từ năm 2005, đến nay đã xuống cấp. Đợt mưa bão năm 2017 làm sập mố cầu, xã trích ngân sách để đắp lại, còn tỉnh cho kinh phí tu sửa, thay mặt cầu… Tuy nhiên, cầu treo chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, còn việc vận chuyển nông sản thì cần một cây xây kiên cố hơn.
… Đến đu cáp qua suối
Ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, hằng ngày người dân vẫn đu cáp qua suối Đục để làm rẫy. Bà Nguyễn Thị Hòa (thôn Phước Thọ 2, xã Ea Phê) cho hay hơn 5 năm nay gia đình vẫn đu cáp qua suối làm rẫy. Trước đó, gia đình bà đóng thuyền, bè tạm để qua lại, vận chuyển nông sản, nhưng mùa mưa nước lớn dễ bị lật nên chuyển sang đu cáp. Qua rẫy nhà bà vẫn có đường, nhưng phải đi vòng mười mấy cây số trong khi đu cáp chỉ mất vài phút nên dù biết nguy hiểm vẫn phải đi để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Năm 2017, chồng bà đu cáp không may bị té, khâu 22 mũi, thấy vậy bà cũng sợ nhưng không còn cách nào khác. Ông Đỗ Quang Khải, Trưởng thôn Phước Thọ nói thêm, không chỉ dân trong thôn mà cả trăm hộ ở các thôn Phước Thọ 1 và 3 cũng hằng ngày phải qua sông bằng cáp. Mới đây cũng có một người rớt suối vì đu cáp, nhưng vì miếng cơm manh áo nên người dân vẫn phải liều mình đu cáp bất chấp hiểm nguy.
Cầu treo buôn Khóa xuống cấp. |
Năm 2017, Sở Giao thông vận tải có xuống khảo sát, đưa vào danh mục xây dựng cầu dân sinh nằm trong Dự án LRAMP (Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương thuộc Bộ Giao thông vận tải). Hy vọng, cây cầu sớm được khởi công để người dân đi lại thuận tiện hơn.
Hải Đăng
Ý kiến bạn đọc