Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó cho Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững

08:48, 20/06/2018

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) được triển khai tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và 5 tỉnh Tây Nguyên trong thời gian 5 năm (2015 - 2020) nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng cà phê và lúa gạo.

Tại Đắk Lắk, Dự án triển khai 2 hợp phần với tổng số vốn là gần 270,7 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là gần 162,9 tỷ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ hơn 51,4 tỷ đồng, vốn góp tư nhân gần 56,4 tỷ đồng. Dự án nhằm nâng cao thu nhập cho 63.000 hộ dân trên 69.000 ha canh tác bền vững khu vực Tây Nguyên với mức tăng thu nhập 15 triệu đồng/ha suốt chu kỳ canh tác của cây cà phê (20-25 năm). Ban đầu, dự án triển khai tại 7 huyện, thị xã gồm huyện Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk, Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ. Năm 2017, có thêm 3 huyện, thành phố tham gia bổ sung là huyện Krông Ana, Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột.

Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã củng cố, nâng cao kiến thức canh tác, tái canh cà phê bền vững cho khoảng 10.000 hộ dân thông qua hơn 300 lớp tập huấn theo nhóm tại đồng ruộng. Đồng thời, xây dựng hơn 20 mô hình trình diễn tái canh, sản xuất cà phê bền vững, trong đó có 9 mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, 11 mô hình tưới phun mưa tại gốc; triển khai 85 mô hình trình diễn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững tại 10 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc vùng dự án.

Ban quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Trung ương kiểm tra hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn của dự án tại vườn ươm của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Ban quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Trung ương kiểm tra hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn của dự án tại vườn ươm của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Một nội dung quan trọng nữa là các tổ chức nông dân (HTX, tổ hợp tác) khi tham gia dự án sẽ được hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, bảo quản cà phê sau thu hoạch... Hiện tại, dự án đang thực hiện hỗ trợ 11 máy sấy, 1 máy sơ chế cho 11 tổ chức nông dân; xây dựng hơn 17,6 km đường vào khu sản xuất, 3.890 m2  nhà kho, 11.000 m2 sân phơi, 1,2 km cống kênh mương dẫn nước về khu sản xuất; lắp 1 trạm bơm có công suất 17 m3/giờ, 1 trạm biến áp 250 KVA, 1.000 m dây điện trung thế, 3.000 m dây điện hạ thế phục vụ điện sản xuất cho người dân… Ngoài ra, Ban quản lý Dự án đã tham mưu cho Sở NN-PTNT công nhận 10 vườm ươm tư nhân đạt chuẩn dự án với năng lực sản xuất 5 – 7 triệu cây giống/năm, góp phần cung ứng giống cây có chất lượng cao cho bà con nông dân. Riêng vườn ươm của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã được nâng cấp và nghiệm thu, hiện tại đang đẩy mạnh sản xuất để cung ứng giống cho mùa mưa năm nay.

Bên cạnh những thuận lợi đó thì hiện tại dự án cũng gặp một số khó khăn do tiến độ giải ngân của dự án chậm. Hiện tại, mới chỉ giải ngân được hơn 24/270,7 tỷ đồng khiến các hạng mục cũng chậm so với kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Đắk Lắk cho biết, việc giải ngân chậm do các văn bản hướng dẫn hỗ trợ giải ngân các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc… của Ban quản lý Dự án VnSAT Trung ương vẫn còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất. Hiện tại, Ban quản lý dự án tại Đắk Lắk đã có công văn trình bày các vướng mắc khi triển khai thực hiện dự án gửi Ban quản lý dự án Trung ương chờ hướng dẫn. Mặt khác, hiện tại các tổ chức nông dân cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn đối ứng thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng khiến tiến độ thực hiện chậm theo.

Vườn ươm giống cà phê của Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước và dàn che theo đúng kỹ thuật.
Vườn ươm giống cà phê của Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước và dàn che theo đúng kỹ thuật.

Tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện Dự án VnSAT trong thời gian qua và triển khai kế hoạch năm 2018 do UBND tỉnh tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua, các bên đã thống nhất việc thể chế hóa phần đất xây dựng kho, bãi thành vốn góp của các tổ chức nông dân. Đồng thời, yêu cầu nông dân đóng góp 6,5% kinh phí thực hiện công việc giám sát thi công các công trình đầu tư nhằm mục đích nâng cao chất lượng các công trình cũng như thay đổi nhận thức của người dân đối với các hạng mục đầu tư của dự án.

Dự án VnSAT được triển khai khi ngành cà phê cả nước nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tác động của biến đổi khí hậu… đã mở ra kỳ vọng mới cho người trồng cà phê. Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ lớn về kinh phí từ dự án, người dân và các tổ chức nông dân sản xuất, kinh doanh cà phê sẽ được tiếp cận với các loại máy móc hiện đại, có kho bãi bảo đảm chất lượng để bảo quản và nâng cao chất lượng cà phê.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.