Hiệu quả mô hình phát triển sinh kế ở Ea Tê
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên được triển khai tại 5 xã của huyện M’Đrắk gồm: Krông Á, Krông Jing, Cư M’ta, Ea Trang, Cư San nhằm hỗ trợ các xã nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân, hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong quá trình triển khai, đã có nhiều đơn vị thực hiện thành công dự án, trong đó thôn Ea Tê (xã Krông Jing) là một điển hình.
Thôn Ea Tê hiện có 104 hộ, 460 nhân khẩu; trong đó có 3 hộ gia đình chính sách, 63 hộ nghèo (chiếm 60,5% dân số), 16 hộ cận nghèo (chiếm gần 15,4%). Thôn có diện tích hơn 400 ha, trong đó 366 ha đất nông nghiệp, riêng diện tích trồng cây mía, sắn chiếm trên 60%, là vùng nguyên liệu cho Nhà máy đường 333, Nhà máy đường Ninh Hòa… Do trình độ dân trí còn thấp, kinh nghiệm sản xuất hạn chế với quy mô nhỏ lẻ nên trong 4 hợp phần chính của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, người dân thôn Ea Tê đặc biệt quan tâm hợp phần cải thiện sinh kế, hình thành các nhóm sản xuất chăn nuôi. Năm 2016, dự án được triển khai với 20 hộ dân trong thôn tham gia tiểu dự án nuôi dê sinh sản, trong đó có 17 hộ nghèo (chiếm 85%). Mỗi hộ được hỗ trợ 2 con dê giống, thức ăn và tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách duy trì và phát triển sinh kế. Nhờ sự hỗ trợ này, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Liên thuộc diện hộ nghèo của thôn Ea Tê. Năm 2016, được Dự án giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ 2 con dê sinh sản và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình bà Liên cố gắng đầu tư chăm sóc, đến nay đàn dê sinh trưởng và phát triển tốt, đã sinh thêm được 3 con dê con. Bà Liên ước tính, sau 1 năm phát triển, một con dê con đạt trọng lượng hơn 20 kg, với giá bán trên thị trường 180.000 - 200.000 đồng/kg, thu được gần 4 triệu đồng. Mỗi năm một con dê sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con, mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 30 triệu đồng/năm, giúp ổn định cuộc sống.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hải Vân có được đàn dê từ sự hỗ trợ của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên. |
Qua 2 năm triển khai thực hiện, Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại thôn Ea Tê bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, mô hình nuôi dê sinh sản đang phát triển tốt cả về chất lượng và số lượng, từ 40 con dê ban đầu đã hình thành đàn 150 con, nhiều con giống đang trong giai đoạn mang thai và sắp sinh thêm. Thụ hưởng từ chương trình giảm nghèo, đến cuối năm 2017, nhóm cải thiện sinh kế thôn Ea Tê đã giảm được 7 hộ nghèo. Không chỉ giúp các hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, dự án còn giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Từ kết quả của dự án, từ nhóm sinh kế chỉ có 20 hộ dân nuôi dê sinh sản năm 2016, nhiều hộ dân đã đăng ký tham gia hình thành nên tổ hợp tác nuôi dê sinh sản, thu hút sự hưởng ứng của cộng đồng và sự quan tâm của các ban ngành, địa phương. Ban quản lý tổ hợp tác cũng đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm bằng cách ký hợp đồng cung cấp nguồn thực phẩm cho 2 nhà hàng và 2 đơn vị chuyên tổ chức sự kiện, dịch vụ đám cưới trên địa bàn huyện. Năm 2018, để nâng cao hiệu quả mô hình, tăng quyền lợi của các thành viên, tổ hợp tác đang hoàn thiện hồ sơ để thành lập Hợp tác xã nuôi dê sinh sản. Với loại hình hoạt động này, mô hình phát triển vượt xa khỏi phạm vi nội bộ của nhóm cải thiện sinh kế Dự án giảm nghèo Tây Nguyên thôn Ea Tê, mở rộng đối tượng người dân tham gia với những quyền lợi, sự quan tâm, hỗ trợ lớn hơn theo chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, mỗi thành viên trong hợp tác xã có điều kiện được học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, liên kết với nhau và tạo thành sản phẩm chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài 2 con dê được hỗ trợ, gia đình anh Đỗ Anh Vũ đầu tư thêm 3 con dê, đến nay đàn dê phát triển lên 15 con, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng. |
Có thể nói, với những kết quả đã đạt được, mô hình phát triển sinh kế ở Thôn Ea Tê (xã Krông Jing) không những góp phần thực hiện có hiệu quả Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sức lan tỏa để nhiều người trong vùng học hỏi làm theo, vươn lên xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc