Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình trồng rau quả ở Ea Trul

08:19, 13/06/2018

Trước tình trạng một số loại nông sản như mía, dứa… gặp khó khăn về đầu ra khiến bà con nông dân rơi vào tình cảnh lao đao, 15 hộ dân ở thôn 2 (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) quyết định thử sức với mô hình trồng rau quả, bước đầu mang lại nguồn thu nhập đáng kể.

Gia đình chị Trần Thị Lệ (ở thôn 2) có 5 sào đất, trước đây chủ yếu trồng ngô, đậu, mía. Sau nhiều vụ mất mùa, giá cả bấp bênh, từ đầu năm 2018, chị quyết định chuyển đổi sang trồng chuối cấy mô, dưa leo, bầu. Chị Lệ đã tìm đến các mô hình trồng rau quả tại TP. Đà Lạt, đồng thời tìm hiểu thêm trên sách báo và mạng Internet để nắm vững hơn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bầu, dưa leo. Nhờ được chăm sóc đúng cách, khí hậu khá phù hợp, nên sau 1 tháng vườn bầu của gia đình chị Lệ đã cho thu hoạch. “Trồng rau quả đòi hỏi phải có kỹ thuật, khi cây ra trái cần tập trung diệt trừ côn trùng, sâu bệnh. So với cây trồng khác như cây mía thì trồng bầu và dưa leo tuy thu nhập thấp hơn nhưng nhanh cho thu hoạch”, chị Lệ cho biết. Từ lúc  trồng đến nay, vườn bầu đã cho vụ thu hoạch thứ hai. Ở vụ trước đạt sản lượng hơn 2 tấn, với giá bán từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình chị Lệ lãi hơn 10 triệu đồng.

Anh Lê Văn Hưng (thôn 2, xã Ea Trul, Krông Bông) bên giàn mướp đang vào đợt  thu hoạch.
Anh Lê Văn Hưng (thôn 2, xã Ea Trul, Krông Bông) bên giàn mướp đang vào đợt thu hoạch. 
 

“Hiện thôn 2 có 15 hộ trồng rau quả, với hơn 10 ha. Trung bình mỗi vụ rau quả mang lại thu nhập cho bà con nông dân từ 30-35 triệu đồng”.

 
 
Ông Đào Văn Thường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Trul

Tương tự, anh Lê Văn Hưng (cũng ở thôn 2, xã Ea Trul) chọn mô hình trồng mướp đắng để thay thế cây mía. Anh Hưng cho hay, trước đây trên diện tích 4 sào đất của gia đình anh chủ yếu trồng ngô và mía, tuy nhiên do đầu ra không ổn định, nên thường bị thương lái ép giá. Năm 2017, anh mua giống mướp đắng từ Đà Lạt về trồng. Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm và chăm sóc, cây mướp đắng đã cho thu hoạch 4 vụ. Mô hình trồng mướp đắng của gia đình anh Hưng được đầu tư lắp đặt hệ thống nước tưới nhỏ giọt tự động về tận các gốc mướp, xây dựng giàn mướp đan bằng lưới cước chắc chắn. Nhờ biết áp dụng các biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn mướp đắng của gia đình anh Hưng luôn trĩu quả và đạt năng suất cao (trung bình 1 sào cho thu hoạch trên 2 tấn quả), quả mướp to, căng mọng khiến cho các thương lái rất ưa chuộng. Anh Hưng cho biết thêm: “Không chỉ bán cho các chợ lân cận, nhiều thương lái đến tận vườn mua, vận chuyển về chợ đầu mối của tỉnh, trung bình giá bán sỉ tại vườn là 9.000 đồng/kg, mỗi vụ sau khi trừ chi phí, tôi lời từ 30 - 35 triệu đồng”, anh Hưng hồ hởi nói.

Mô hình trồng dưa leo của gia đình chị Trần Thị Lệ (thôn 2, xã Ea Trul, Krông Bông).
Mô hình trồng dưa leo của gia đình chị Trần Thị Lệ (thôn 2, xã Ea Trul, Krông Bông).

Ông Ama Pai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Trul cho biết, vụ đông xuân năm 2017 – 2018, toàn xã đã gieo trồng được 412,5 ha, trong đó chủ yếu là lúa nước, đậu, ngô, khoai lang. Thời tiết khí hậu tại địa phương không thuận lợi, mùa khô thường nắng nóng, khô hạn khiến nông dân gặp khó khăn trong sản xuất. Chính vì vậy, thời gian qua chính quyền địa phương, đặc biệt Hội Nông dân luôn khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với khí hậu từng mùa. Năm 2017, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau quả, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn xã có hơn 10 ha đất trồng rau quả. Tuy nhiên để sản xuất rau quả bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có thể hình thành nên vùng chuyên canh rau quả theo hướng an toàn trên địa bàn.

Xuân Thái

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.