Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Nhiều thanh niên thành công từ gian khó

06:18, 08/06/2018

Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên ở huyện Lắk đã vượt khó, vươn lên trong sản xuất, kinh doanh làm giàu trên vùng đất quê hương…

Sinh ra ở tỉnh Bắc Cạn, năm 1991, anh Quan Văn Hữu (SN 1980, dân tộc Tày) theo gia đình vào xã Đắk Liêng (huyện Lắk) lập nghiệp. Sau nhiều năm vật lộn với cây lúa, cây ngô, kinh tế gia đình anh Hữu “khó vẫn hoàn khó”.  Đầu năm 2013, qua sự giới thiệu của Huyện Đoàn Lắk, anh Hữu được Tỉnh Đoàn hỗ trợ 1.500 cây măng tây giống về trồng trên diện tích 1.000 m2 tại buôn M’Liêng 2 (xã Đắk Liêng). Sau 6 tháng trồng, chăm sóc, cây măng tây bắt đầu cho thu hoạch, anh Hữu lại đối mặt với khó khăn trong việc tìm đầu ra. Một lần nữa Đoàn xã Đắk Liêng lại giúp anh Hữu bằng cách vận động đoàn viên, thanh niên trong xã mua ủng hộ măng tây với giá khoảng 50.000 đồng/kg.

Mô hình  trồng măng tây của gia đình anh Quan Văn Hữu (xã Đắk Liêng, huyện Lắk)  mang lại  hiệu quả  kinh tế cao.
Mô hình trồng măng tây của gia đình anh Quan Văn Hữu (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thời gian, người dân địa phương dần biết đến cây măng tây nhiều hơn, các đầu mối tiêu thụ đang dần ổn định thì năm 2015 do mưa lũ nhiều khiến toàn bộ diện tích măng tây của gia đình Hữu bị ngập úng, hư hỏng. Không chịu lùi bước, anh Hữu mạnh dạn vay vốn sang Lâm Đồng mua khoảng 4.000 cây măng tây giống về làm lại từ đầu. Nhờ có kinh nghiệm, lại thường xuyên cập nhật kiến thức về loại cây này… nên cây măng tây đã không phụ công người. Với diện tích khoảng 2.500 m2, mỗi ngày anh Hữu thu hơn 10 kg măng tây thành phẩm. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, mỗi ngày anh lãi khoảng 500.000  đồng. Ngoài trồng măng tây, anh Hữu còn đầu tư chăn nuôi bò, heo…, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình anh có thu nhập gần 200 triệu đồng.

Anh Mai Hồng Cương  (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk)  chăm sóc đàn gà giống.
Anh Mai Hồng Cương (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) chăm sóc đàn gà giống.

Năm 2012, tốt nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên với hai tấm bằng cử nhân (thú y và quản trị kinh doanh), anh Mai Hồng Cương (SN 1989, ở thị trấn Liên Sơn) đi làm cho một công ty chuyên về thức ăn gia súc ở tỉnh Bình Phước. Mặc dù chế độ đãi ngộ khá cao, song cuối năm 2013, anh Cương quyết định xin về làm tại Trạm Khuyến nông huyện Lắk, đồng thời một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và thức ăn gia súc. Năm 2015, anh Cương quyết định đầu tư vốn liếng và vay mượn thêm để tập trung vào kinh doanh. Nhờ kiến thức đã được học và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều nơi công tác đã giúp công việc kinh doanh của anh phát triển khá hiệu quả. Với cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn gia súc, mua bán con giống các loại, mỗi tháng mang lại thu nhập cho gia đình anh Hữu hơn 10 triệu đồng. Không chỉ kinh doanh giỏi, anh Cương còn rất tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, nhiều năm liền được đoàn viên tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn thôn Đoàn Kết (thị trấn Liên Sơn  và  hiện nay anh đang giữ cương vị Tổ trưởng Tổ dân phố Đoàn Kết.

Anh Nguyễn Thanh Hưng, Bí thư Huyện Đoàn Lắk cho biết, việc vận động đoàn viên, thanh niên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất luôn được các cấp bộ Đoàn của huyện thực hiện. Ngoài ra,  Huyện Đoàn còn phối hợp với các ban, ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện giúp thanh niên vay vốn, tham gia học tập, giải quyết việc làm... Nhờ vậy, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản của anh Trần Thanh Hùng ở xã Đắk Liêng; mô hình trồng lúa kết hợp dịch vụ máy gặt, phay ruộng của anh Phạm Văn Tường ở xã Buôn Tría; dịch vụ thuốc thú y, thức ăn gia súc của anh Trần Quốc Hiếu ở xã Đắk Nuê… Qua đó, cho thấy tinh thần dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ huyện nhà đang ngày càng lan tỏa sâu rộng và góp phần có hiệu quả vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bảo Chi


Ý kiến bạn đọc