Người tiêu dùng "khát" thực phẩm an toàn
Thực phẩm bẩn đang là “vấn nạn” gây hoang mang cho nhiều người. Chưa bao giờ, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh lại “khát” thực phẩm sạch, an toàn như hiện nay.
Mỗi ngày xách giỏ đi chợ, nỗi ám ảnh thực phẩm mất an toàn khiến nhiều bà nội trợ lo lắng. Giữa thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, họ sợ mua phải thực phẩm sử dụng nhiều hóa chất, chất kích thích hoặc mua phải hàng giả, hàng Trung Quốc kém chất lượng…
Trên thực tế, người tiêu dùng hiện đang phải đối mặt với nhiều loại thực phẩm bẩn, ẩn chứa nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người. Riêng về thực phẩm tươi sống, trong đó, củ, quả bày bán tại các chợ lại đa số là hàng của Trung Quốc. Nhiều tiểu thương cũng thừa nhận, nông sản của nước này quả to, nhìn tươi ngon, màu sắc lại bắt mắt, bán rất chạy hàng, đặc biệt có thể để được lâu mà không sợ hư, thối! Lo ngại về thực phẩm bẩn, ngoài nỗ lực tìm kiếm nguồn hàng an toàn thì một số người cũng chọn cách tự trồng rau trong thùng xốp tại nhà để phục vụ gia đình. Nắm bắt được tâm lý đó, nhiều cửa hàng thực phẩm “sạch” cũng mọc lên ngày càng nhiều hơn ở TP. Buôn Ma Thuột. Nhiều người tìm đến đây với hy vọng mua được nguồn hàng bảo đảm an toàn, chất lượng dù chấp nhận bỏ ra số tiền có cao hơn so với thực phẩm thông thường ở chợ. Song, trên thực tế, phần nhiều họ vẫn mua bằng... niềm tin là chính, bởi dù thận trọng nhưng để phân biệt được thực phẩm “sạch” và không sạch thì không phải đơn giản.
Một vụ vận chuyển thịt động vật không rõ nguồn gốc được Chi cục Quản lý thị trường phát hiện, xử lý. |
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, trong các đợt kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thực phẩm tại hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, hầu như lần nào cũng đều phát hiện vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phổ biến nhất là các hành vi vi phạm như sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng; vi phạm nhãn hàng hóa. Mặc dù các hộ kinh doanh đều ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng không phải hộ nào cũng chấp hành nghiêm. Mới đây nhất, chỉ hơn 1 tháng mở đợt kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (từ ngày 15-4 đến hết tháng 5-2018), Chi cục đã kiểm tra 36 cơ sở, phát hiện và xử lý 23 vụ vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính gần 27 triệu đồng, buộc tiêu hủy nhiều hàng hóa gồm 33 chai nguyên liệu SYRUP (loại 1,36 kg/chai) không rõ nguồn gốc xuất xứ, 23 gói me Thái, 8 gói trà gừng, 25 gói dưa món, 25 kg ruốc thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, 19 gói tảo biển Gob Bawee, 3 gói men rượu Quân Tám…
Người tiêu dùng rất cần được minh bạch thông tin về các điểm bán, tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm cũng như các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất biết đề cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dùng. |
Từ thực tế trên, có thể thấy nỗi lo lắng của người dân địa phương là có cơ sở và đã trở nên bức xúc. Song, để đối phó với vấn nạn này, những cách đã đề cập ở trên chỉ là giải pháp tạm thời cho một bộ phận nhỏ người tiêu dùng. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm an toàn của đại đa số người tiêu dùng địa phương vẫn chưa thể được đáp ứng. Người tiêu dùng đang rất cần thông tin liên quan đến thực phẩm sạch cũng như các mô hình sản xuất, cửa hàng kinh doanh thực phẩm bảo đảm chất lượng. Nghịch lý ở chỗ, trong khi người tiêu dùng “khát” và chưa biết mua thực phẩm an toàn ở đâu thì nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm an toàn, có chứng nhận, nhưng lại chưa biết cách quảng bá sản phẩm của mình đến tay người tiêu dùng để kích sức mua. Thậm chí, đã từng có “khủng hoảng” thừa dẫn đến việc phải cắt bỏ đi. Sản phẩm của một số Hợp tác xã rau an toàn theo chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột từng lâm vào cảnh như thế.
Tiến hành kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại một nhà hàng ở TP. Buôn Ma Thuột. |
Thực tế trên đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát cần được cơ quan chức năng trên địa bàn “siết chặt” và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, bối cảnh trên cũng đòi hỏi ngành Nông nghiệp, Công thương địa phương phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của mình, hỗ trợ và làm “cầu nối” tạo điều kiện để thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Để mối liên hệ giữa người sản xuất và tiêu dùng không thể lỏng lẻo và qua quá nhiều khâu trung gian như hiện nay.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc