Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Krông Pắc thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

08:49, 20/06/2018

Những năm qua, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong hội viên nông dân huyện Krông Pắc, nhất là trong các phong trào thi đua yêu nước, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Nguyễn Công Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết,  các cấp Hội đã nghiêm túc triển khai các chuyên đề học tập và làm theo Bác đến toàn thể cán bộ, hội viên. Đồng thời, gắn việc học tập và làm theo Bác với những phong trào thi đua như: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo vệ quốc phòng - an ninh”… Trong đó, chú trọng xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả để từng bước cải thiện đời sống cho hội viên.

   Anh  Y Suôm Niê  chăm sóc vườn  cà phê  gia đình.
Anh Y Suôm Niê chăm sóc vườn cà phê gia đình.
 
“Việc học tập và làm theo Bác đã góp phần quan trọng khơi dậy ý chí tự cường và tinh thần sáng tạo trong lao động sản xuất của cán bộ, hội viên nông dân. Đặc biệt, được giúp đỡ về vốn, kinh nghiệm sản xuất, nhiều nông dân ở trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”. 
 
Ông Nguyễn Công Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc

Từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hơn 550 lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho hơn 3.500 hội viên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ hơn 100 tỷ đồng và xây dựng Quỹ Hội Nông dân hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các công ty phân bón cung ứng hơn 1.800 tấn phân bón, 20 tấn thức ăn chăn nuôi theo hình thức trả chậm giúp nông dân có điều kiện sản xuất. Tiêu biểu trong phong trào này như gia đình anh Y Suôm Niê (xã Ea Yông). Trước đây kinh tế gia đình anh chỉ trông chờ vào 8 sào cà phê già cỗi nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2008, nhờ tham quan các mô hình kinh tế giỏi cũng như được sự hướng dẫn của Hội Nông dân xã, anh đã mạnh dạn trồng xen 70 cây sầu riêng DONA cơm vàng hạt lép trong vườn cà phê. Đến nay sầu riêng đã cho thu hoạch, với mức giá trung bình 40.000 đồng/kg, chỉ tính riêng năm 2017, gia đình anh thu về hơn 720 triệu đồng.

Bên cạnh chuyển đổi cây trồng phát triển kinh tế, nông dân huyện Krông Pắc còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng năm 2017, Hội Nông dân huyện đã vận động hội viên đóng góp 312.740 ngày công; làm mới 94 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 62 km kênh mương nội đồng... Ông Nguyễn Hạnh, thôn 3, xã Hòa An cho biết, khi nhiều người vẫn còn e dè, chưa nhận thức rõ lợi ích chung của việc xây dựng nông thôn mới thì gia đình ông đã tiên phong hiến 3.000 m2 đất làm nghĩa trang. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi sinh hoạt chi hội ông hiểu được hiến đất không có nghĩa là mất đất, ngược lại nó còn tạo nhiều thuận lợi cho chính người hiến, cũng như cho cộng đồng.

Nông dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) chung tay làm đường nông thôn.
Nông dân xã Hòa An (huyện Krông Pắc) chung tay làm đường nông thôn.

Nhờ chú trọng việc đổi mới nội dung, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua nên trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân tiêu biểu, gương mẫu được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao. Trung bình mỗi năm có trên 55% hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ... Đến nay toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Ea Kly, Hòa Đông, Ea Kênh, Hòa An, Ea Kuăng, 5 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 2 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những tấm gương nông dân tiêu biểu, các mô hình hoạt động hiệu quả để khuyến khích đông đảo người dân tham gia học tập và làm theo.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.