Multimedia Đọc Báo in

Thu tiền tỷ từ xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê

09:20, 22/06/2018

Chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê, gia đình ông Nguyễn Xuân Thiệu (thôn 5, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) đã có nguồn thu nhập ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm.

Rời quê hương Thái Bình, năm 1996 vợ chồng ông Thiệu quyết định chọn mảnh đất Đắk Lắk làm nơi sinh sống và lập nghiệp. Sau thời gian làm bảo vệ tại Công ty cà phê Phước An, năm 1998 với số tiền tích cóp được, ông mua 2 ha đất rẫy tại xã Ea Nam để trồng cà phê. Nhờ học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê từ các mô hình đạt hiệu quả về áp dụng cho vườn nhà nên sau 3 năm, vườn cà phê của gia đình cho thu bói và năm thứ 4 trở đi cho sản lượng ổn định gần 4 tấn/ha. Từ năm 2005, vừa làm vừa tích lũy nguồn vốn, cứ sau mỗi vụ thu hoạch ông lại đầu tư mở rộng diện tích thâm canh cà phê.

Ông Nguyễn  Xuân Thiệu (bìa phải)  chia sẻ cách chăm sóc  cây trồng  cho cán bộ Hội Nông dân xã Ea Nam đến thăm  mô hình.
Ông Nguyễn Xuân Thiệu (bìa phải) chia sẻ cách chăm sóc cây trồng cho cán bộ Hội Nông dân xã Ea Nam đến thăm mô hình.

Năm 2013, nhận thấy cây bơ booth và sầu riêng đang “lên ngôi”, có giá trị kinh tế cao, lại phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Tận dụng khoảng trống trong vườn cà phê, ông Thiệu đã tiến hành trồng 600 cây bơ booth và 300 cây sầu riêng Ri6 cơm vàng hạt lép với mật độ 110-115 cây/ha xen trong vườn cà phê 8 ha. Để quá trình chăm sóc cây trồng đạt hiệu quả, ông thường xuyên tham gia các buổi hội thảo, tập huấn và học hỏi từ những người có thâm niên trong nghề để nắm bắt kỹ thuật chăm sóc các giống cây trồng mới. Ông Thiệu chia sẻ, cà phê là cây ưa bóng mát, sầu riêng và bơ booth lại là cây có tán rộng, khi trồng xen sẽ có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Không chỉ giúp che nắng cho cà phê mà còn tận dụng được lượng nước và phân bón dư thừa từ cây cà phê. Quá trình chăm sóc bơ, sầu riêng cũng khá đơn giản, chỉ cần lưu ý phòng trừ các loại nấm hại cây, tỉa cành, tạo tán, tưới nước và bón phân cân đối cho cây. Để các loại cây trồng sinh trưởng ổn định, ông thường sử dụng phân hữu cơ bón cho cây, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ được chăm sóc bài bản, vườn cây xen canh của ông luôn phát triển xanh tốt cho sản lượng và năng suất cao. Hiện tại, mỗi năm thu trên 30 tấn cà phê, 25 tấn bơ, 8 tấn sầu riêng, sau khi trừ chi phí gia đình ông thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình của ông còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng và 15 lao động thời vụ tại địa phương.

Ông Phạm Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Nam cho biết, ông Nguyễn Xuân Thiệu là một trong những nông dân đi đầu tại địa phương trong việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bằng hình thức xen canh cây trồng, là mô hình điểm được bà con nông dân trong xã và những vùng lân cận tới tham quan, học hỏi. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Thiệu còn giúp đỡ, hỗ trợ cho 2 hội viên thiếu đất canh tác vươn lên thoát nghèo, mỗi hội viên 1 ha đất. Nhiều năm liền ông Thiệu được nhận Bằng khen “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.