Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp

09:13, 21/06/2018

Trong thời gian qua, TP. Buôn Ma Thuột đã tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.

Điển hình như: chuyển giao những giống cà phê có đặc tính nông học ưu việt vào tái canh, cải tạo cà phê (hạt lai TRS1, các dòng cà phê ghép từ TR4 đến TR13 trừ TR10); sử dụng các loại giống lai F1 trong sản xuất rau, cho năng suất và chất lượng cao; sử dụng nhiều giống lúa lai để tăng năng suất và chất lượng lúa gạo; phát triển ứng dụng các giống heo cao sản (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain, Hampshire, Berkshire, Cornwall) vào chăn nuôi; các giống gà thịt, gà siêu trứng (Hybro, Tam Hoàng, Sasso, Lương Phượng, gà Hubbard, BT1) cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn các giống truyền thống của địa phương.

Vườn thanh long của một hộ dân tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đạt năng suất cao hơn hẳn  nhờ kích điện ra hoa trái vụ.
Vườn thanh long của một hộ dân tại xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) đạt năng suất cao hơn hẳn nhờ kích điện ra hoa trái vụ.

Nông dân Buôn Ma Thuột đã rất thành thạo trong việc sử dụng các vi sinh vật hữu ích để phân giải các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… tạo nguồn bón phân hữu cơ, năng lượng (gas) và các sản phẩm hữu ích khác phục vụ nông nghiệp và đời sống. Thống kê hiện nay hơn 70% diện tích cà phê trên địa bàn thành phố được bón phân hữu cơ ủ từ vỏ cà phê với nấm trichoderma. Nguồn phân hữu cơ được tạo ra từ công nghệ sinh học (nấm Trichoderma), ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho cây thì còn tiêu diệt các loài nấm có hại (Rhizoctonia solani, Fusarium solani, Phytophtora, Sclerotium rolfsii) cho cây hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, cây bơ… tạo điều kiện cho các loại cây trồng này sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Ngoài cơ chế tiêu diệt trực tiếp khi tiếp xúc, Trichoderma còn có cơ chế sinh ra các “kháng thể” được cây truyền đi khắp các bộ phận, giúp tiêu diệt nấm hại ở cả lá, cành cây, ngọn cây, quả… mà không cần tiếp xúc. Bà con còn ứng dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò; triển khai xây dựng rất nhiều hầm Biogas theo Chương trình khí sinh học của Hà Lan tài trợ để tạo nguồn khí đốt, nhiên liệu thắp sáng… góp phần cải thiện đời sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhất là ở khu vực nông thôn. Sử dụng giá thể, công nghệ thủy canh, tưới nước tiết kiệm, điều tiết tự động dinh dưỡng… trong sản xuất rau quả. Sử dụng các chất tăng trưởng để kích thích ra hoa trái vụ các loại cây trồng, thu hoạch đồng loạt, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, bà con nông dân trên địa bàn thành phố đã quan tâm nhiều đến việc ứng dụng công nghệ sinh học để kích thích ra hoa trái vụ trên cây ăn quả nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể như ở thôn 3 (xã Cư Êbur), nông dân đã sử dụng bóng đèn CFL-20W NNR660 thắp sáng vào ban đêm để kích thích ra hoa trái vụ cho cây thanh long, làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế rất cao. Trước đây, khi còn dùng bóng đèn sợi đốt IL - 60W để kích thích ra hoa trái vụ, mỗi héc-ta thanh long tốn khoảng 50 triệu đồng mỗi năm cho việc sử dụng điện năng; tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, khi sử dụng bóng đèn chuyên dụng CFL-20W NNR660, người trồng chỉ tốn khoảng 18 triệu đồng tiền điện cho một héc-ta thanh long. Tiết kiệm chi phí mà năng suất cao hơn rất nhiều.

Ngoài ra, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn phát triển nhiều mô hình rau hữu cơ hiệu quả dựa trên quá trình đấu tranh sinh học của các sinh vật trong tự nhiên: sử dụng sinh vật có ích để tiêu diệt sinh vật gây hại bằng nhiều phương pháp.

Hiệu quả cao từ việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng thu hút nông dân TP. Buôn Ma Thuột. Trong thời gian tới, TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc tổ chức tập huấn cho nhân dân, khiển khai các mô hình khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.