Multimedia Đọc Báo in

Xứng danh người lính Cụ Hồ

09:27, 18/06/2018

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hưng Yên, năm 19 tuổi, ông Vũ Ngọc Nhanh (SN 1963) nhập ngũ, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia.

Sau khi rời quân ngũ (năm 1989) trở về địa phương sinh sống với mảnh đạn trong người, đến năm 1995 ông Nhanh đưa gia đình vào thôn 8A, xã Ea M’droh (nay là thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) lập nghiệp. Nhớ lại những ngày đầu trên vùng đất mới, ông Nhanh bùi ngùi: “Thời gian đó, gia đình gặp rất nhiều khó khăn khi vốn liếng không có, con cái nhỏ dại, vết thương ở chiến trường lại thường xuyên tái phát, đau buốt mỗi khi trái gió trở trời…”. Ban đầu, gia đình ông Nhanh phải mượn đất của người thân dựng lều ở, bản thân ông phải lăn lộn với nhiều nghề như làm thuê, phụ hồ để nuôi gia đình, lo cho các con ăn học. Những khó khăn, vất vả đã không làm nản lòng người lính, sau nhiều năm bươn trải, gia đình ông Nhanh mua được một mảnh vườn để trồng hoa, các loại hoa màu.

Cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê xen hồ tiêu đem lại hiệu quả kinh tế.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê xen hồ tiêu đem lại hiệu quả kinh tế.

Khi đã tích góp được một số vốn, ông Nhanh quyết định chuyển đổi từ trồng hoa, hoa màu sang trồng cà phê xen hồ tiêu, bơ booth. Vừa tập trung sản xuất, ông Nhanh vừa nhận thầu các công trình xây dựng tại địa phương nhằm kiếm thêm thu nhập. Năm 2003, ông Nhanh mạnh dạn đầu tư kinh doanh vật liệu xây dựng để phục vụ nhu cầu của bà con trong thôn, xã. Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, cộng với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, từ đôi bàn tay trắng gia đình ông Nhanh trở thành điển hình làm kinh tế giỏi tại địa phương. Với 1,2 ha cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi 7 con bò và cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, mỗi năm sau khi trừ chi phí gia đình ông Nhanh có thu nhập hơn 300 triệu đồng. Kinh tế khá giả, ông Nhanh có điều kiện chăm lo cho 4 người con ăn học và có công việc, với thu nhập ổn định; mua sắm được nhiều máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.   

Cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (bìa trái) đang tư vấn người dân trong xã lựa chọn vật liệu xây dựng.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Nhanh (bìa trái) đang tư vấn người dân trong xã lựa chọn vật liệu xây dựng.

Là người gần gũi và có uy tín, năm 2005 ông Nhanh được bầu làm Trưởng thôn và Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Hiệp Hưng. Từ năm 2011 đến nay, ông  được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội CCB xã Quảng Hiệp. Dù ở bất cứ vai trò, vị trí nào ông Nhanh luôn tiên phong, gương mẫu và tích cực vận động hội viên, người dân tham gia các phong trào tại địa phương.

 Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Nhanh còn tạo việc làm cho 2 con của CCB trong xã với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng; cho các hội viên CCB vay không tính lãi hàng trăm triệu đồng; hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho đồng đội còn khó khăn để xóa nhà dột nát… Chưa hết, ông Nhanh còn hỗ trợ chi phí, ngày công, máy móc để cùng người dân xây dựng nhà văn hóa thôn vào năm 2009; đầu tư tiền của, công sức kéo  hơn 1 km đường điện chiếu sáng từ trung tâm xã tới thôn Hiệp Hưng vào năm 2016… Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hiệp Bùi Thanh Bình nhận xét: “Gia đình CCB Vũ Ngọc Nhanh là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực cũng như tấm lòng vì người nghèo để mọi người học tập và noi theo. Bản thân ông Nhanh rất xứng đáng với danh hiệu “người lính Cụ Hồ”, được bà con, đồng đội tin yêu và tín nhiệm”.

Bảo Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.