Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: "Chậm" đến bao giờ?
Sau nhiều năm thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, đến nay tỷ lệ chợ được chuyển đổi trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp.
Nghị định 02/2003/NĐ-CP, ngày 14-1-2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, trong đó có chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ được coi là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ. Việc chuyển đổi mô hình từ Ban quản lý (BQL) sang doanh nghiệp (DN) hoặc hợp tác xã (HTX) quản lý, kinh doanh là việc làm rất có ý nghĩa và phù hợp với xu thế phát triển thương mại văn minh.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 148 chợ, trong đó khu vực nông thôn có 106 chợ (chiếm tỷ lệ trên 72%). Thực hiện chủ trương của Chính phủ, một số chợ trên địa bàn đã thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động. Về các chợ đã chuyển đổi, theo Sở Công thương, đa số đều hoạt động tốt và mang lại nhiều kết quả tích cực, đẩy mạnh việc kinh doanh hoạt động khai thác chợ hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu giao thương, tiêu dùng của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển và đóng góp vào ngân sách cho địa phương. Ngoài ra, nếu như trước đây khi chưa chuyển đổi, ở một số địa phương, ngân sách huyện phải bổ sung kinh phí cho BQL hoạt động, từ sau khi chuyển đổi chợ hoạt động hiệu quả và còn đóng góp một phần kinh phí cho ngân sách huyện.
Người tiêu dùng mua hàng ở chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột. |
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình này trên địa bàn tỉnh vẫn còn chậm. Tính đến nay, mới chỉ có 22 chợ (14,9%) được chuyển đổi, phần lớn tập trung tại TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, có 9 chợ do DN quản lý và 13 chợ do HTX quản lý, số còn lại đều do UBND xã hoặc các tổ, nhóm quản lý.
Theo Sở Công thương, nguyên nhân chính vẫn là do các chợ vùng nông thôn của tỉnh có đặc thù dân cư thưa thớt, sức mua kém, khả năng sinh lợi không cao nên chưa thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Từ đó rất khó kêu gọi DN đầu tư, khai thác chợ, dẫn đến khó có thể chuyển đổi nhanh được. |
Thực trạng chung của cách thức quản lý chợ chưa được chuyển đổi hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm hiệu quả và phát huy được tiềm năng, lợi thế của chợ. Nhiều chợ hạng 3 trên địa bàn do cấp xã quản lý không có phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng hợp lý; việc điều hành hoạt động của chợ chưa đạt hiệu quả do đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia quản lý đều không qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Quan trọng hơn, hầu hết BQL chợ đều không có khả năng để đầu tư, phát triển, cải tạo chợ. Do vậy, cơ sở vật chất ở chợ ngày càng xuống cấp, không bảo đảm an toàn thực phẩm, công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường...
Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột do doanh nghiệp đầu tư, quản lý, kinh doanh. |
Chủ trương lớn của tỉnh là tạo điều kiện để thu hút đầu tư, xây dựng trong đó có lĩnh vực chợ đã có từ lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn quá ít DN tham gia ở lĩnh vực này. Có thể kể đến như ở huyện Cư Kuin, từ năm 2011 đã lên phương án chuyển đổi từ mô hình BQL chợ sang mô hình DN hoặc HTX kinh doanh, quản lý, khai thác đối với 8 chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có chợ nào được chuyển đổi mô hình quản lý. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, nguyên nhân khiến các DN chưa quan tâm đầu tư là do chi phí đầu tư lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn chậm nên không mặn mà.
Trước thực trạng trên, để nâng cao lợi thế, phát huy vai trò của chợ truyền thống, trong đó có chuyển đổi mô hình hoạt động, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư xây dựng chợ theo hình thức xã hội hóa, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chợ. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp xây dựng văn minh ở chợ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Đồng thời, cũng kiến nghị cần sửa đổi một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP, bởi một số quy trình, thủ tục về chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ đã ban hành không còn phù hợp với thực tế.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc