Giải pháp nào để phát huy thế mạnh cây ăn quả ở Đắk Lắk? (Kỳ cuối)
[links(left)]
Kỳ cuối: Phát triển cây ăn quả theo chuỗi: Vẫn chưa muộn
Cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhưng bản thân nó cũng có những đặc thù riêng dễ gây bất lợi trong quá trình thương mại, do đó đòi hỏi phải có phương thức phát triển phù hợp để tránh rủi ro.
Bổ sung nhóm cây trồng chủ lực
Tỉnh Đắk Lắk có tổng diện tích tự nhiên hơn 13 nghìn km2, chiếm 24% diện tích tự nhiên toàn vùng Tây Nguyên, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 539 nghìn ha. Với khí hậu 2 mùa rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 10 (tập trung 90% lượng mưa hằng năm); mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với lượng mưa không đáng kể và điều kiện đất đai đa dạng trong đó điển hình là đất đỏ, đất pha cát, đất sỏi, đất xám…, Đắk Lắk rất thích hợp cho nhiều loại cây trồng khác nhau. Đặc biệt, hệ thống vườn cây công nghiệp dài ngày sẵn có như cà phê (204.808 ha), điều (23.187 ha), hồ tiêu (38.616 ha)... cần một lượng cây trồng xen nhất định để phát triển bền vững và cây ăn quả là lựa chọn lý tưởng khi có thể che bóng, chắn gió lại nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 20 nghìn ha cây ăn quả, trong đó cây bơ là một trong những cây trồng chủ lực với 4 nghìn ha, chiếm 20% tổng diện tích; sầu riêng 5 nghìn ha, chiếm 25%; nhóm cây có múi chiếm 23,4%; nhãn, vải, chôm chôm 16%; chuối, xoài, mãng cầu và cây ăn quả khác 15,6%. Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 30 nghìn ha cây ăn quả, trong đó, bơ 6 nghìn ha (3 nghìn ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao), sầu riêng 9 nghìn ha; nhóm cây có múi chiếm 24%; nhãn, vải, chôm chôm 16%; chuối, xoài, mãng cầu và cây ăn quả khác 10%...
Nông dân xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) chú trọng sử dụng máy móc trong chăm sóc vườn xoài. |
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, cây ăn quả là một trong những loại cây trồng chủ lực trong tương lai. Việc mở rộng diện tích trên toàn tỉnh dựa trên cơ sở cải tạo đất vườn tạp thành vườn kinh tế hay phát triển trồng xen và thay thế một phần diện tích cà phê kém hiệu quả. Trong quá trình chuyển đổi đó sẽ ưu tiên tuyển chọn loài cây ăn quả chất lượng cao, phù hợp điều kiện sinh thái từng địa phương để hình thành từng vùng chuyên canh mỗi loại cây ăn quả tập trung nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên vấn đề quan trọng vẫn là “đầu ra” cho sản phẩm.
Chủ động ứng phó với nguy cơ “vỡ trận” đầu ra
Vì là cây trồng mới so với các loại cây khác nên người trồng cây ăn quả thận trọng hơn khi lựa chọn chủng loại, loại giống cũng như ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong đó đa số các vườn cây ăn quả hiện nay đều chọn những giống cây có giá trị gia tăng cao, được thị trường ưa chuộng như xoài Cát Hòa lộc, bưởi da xanh, bưởi không hạt, sầu riêng DONA, Ri 6, bơ sáp, bơ 034, bơ Úc, quýt đường… theo từng quy mô khác nhau. Trong đó, có những mô hình đã đạt chứng nhận VietGAP và được tiêu thụ theo chuỗi gắn với việc định hình thương hiệu địa phương như xoài Ea Súp; sầu riêng Krông Pắc; cam, quýt Ea Kar... Đặc biệt, vườn cây được trồng phân bố theo từng khu, từng vùng, từng giống riêng biệt để điều chỉnh thời điểm ra hoa, thu hoạch… nên việc sản xuất theo hướng hàng hóa rất thuận lợi. Tuy nhiên, để trở thành “vựa” cây ăn quả mới của cả nước thì hiện nay vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó việc liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ là vấn đề cốt lõi cần phải làm ngay.
Một vườn nhãn lồng Hưng Yên rộng hàng chục ha được sản xuất theo hướng công nghệ cao ở huyện M’Đrắk. |
Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên
|
Tiến sĩ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích, sản lượng cây ăn quả sẽ tăng mạnh theo từng năm do đó nếu không giải quyết tốt “đầu ra” thì nguy cơ “vỡ trận” cây ăn quả rất cao và người thua thiệt nặng nề nhất vẫn là nông dân. Do đó, từ nhu cầu cụ thể của từng thị trường mà người sản xuất gắn kết với nhau tạo thành những vùng nguyên liệu chuyên canh tập trung để đồng bộ quá trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng đều từ mẫu mã đến chất lượng. Song song đó Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực xây dựng kho bảo quản, nhà máy, máy móc, công nghệ để sơ chế, bảo quản trái cây trước khi xuất khẩu hay chế biến số lượng dôi ra sau mỗi đợt thu hoạch thành những sản phẩm thành phẩm công nghiệp như hoa quả sấy, nước ép, tinh dầu… Chỉ khi các sản phẩm trái cây đạt chất lượng được tiêu thụ, chế biến thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn hoặc có thêm một thị trường mở - thị trường hoa quả chế biến - thì khi đó cây ăn quả mới phát triển bền vững được.
Trên thực tế, hiện trạng sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn đang tồn tại dưới dạng quy mô nhỏ lẻ so với nhu cầu thực tiễn. Do đó, chỉ có phát triển theo chuỗi như quy trình đã nêu trên mới có thể tận dụng được các lợi thế để Đắk Lắk sớm trở thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung bền vững.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc