Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Tập trung gỡ khó về tiêu chí thu nhập

08:14, 30/07/2018

Theo Nghị quyết số 10-NQ/HU, ngày 16-4-2018 của Huyện ủy Krông Pắc, đến năm 2020 Krông Pắc phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Krông Pắc đang dốc toàn lực đầu tư cho những xã còn lại, nhất là tập trung gỡ khó về tiêu chí thu nhập.

Theo Quyết định 372/QĐ-TTg, ngày 14-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ thì để được công nhận đạt huyện nông thôn mới cần đảm bảo có 75% số xã trên địa bàn đạt chuẩn theo quy định. Đến thời điểm này, huyện Krông Pắc đã có 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Ea Kly, Hòa Đông, Ea Kênh, Hòa An, Ea Kuăng. 4 xã Tân Tiến, Ea Yông, Ea Phê và Hòa Tiến sẽ về đích nông thôn mới trong năm 2018. Như vậy, để được công nhận Chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 Krông Pắc phải có thêm 3 xã nữa được công nhận, bảo đảm điều kiện có 12/15 xã đạt Chuẩn nông thôn mới.

Làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Hiu.
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Ea Hiu.

Theo thống kê, các xã còn lại gồm: Krông Búk, Ea Uy, Ea Knuếk, Vụ Bổn đạt 10-15 tiêu chí. Riêng 2 xã Ea Yiêng và Ea Hiu chỉ đạt từ 5-9 tiêu chí. Nhìn vào số tiêu chí mà các xã trên đạt được và theo nhận định của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia huyện thì các xã Krông Búk, Ea Uy, Ea Knuếk là “sáng cửa” về đích nông thôn mới hơn cả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, đến thời điểm này 3 xã trên chưa có xã nào đăng ký về đích nông thôn mới vào năm 2020.

Theo thống kê, đến nay huyện Krông Pắc có 5/9 tiêu chí cấp huyện đã đạt chuẩn, gồm: Thủy lợi, điện, sản xuất, an ninh trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Còn tính chung hiện toàn huyện đạt bình quân 15,13 tiêu chí/xã.

Phân tích một trong những nguyên nhân mà các xã chưa mạnh dạn đăng ký Chuẩn nông thôn là bởi các xã trên còn đang vướng về tiêu chí thu nhập bình quân đầu người. Theo đó, mức thu nhập bình quân đầu người của các xã trên hiện chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng, thấp hơn so với quy định. Đứng trước quỹ thời gian gấp rút, cận kề (chỉ còn hơn 2 năm) nên nếu chỉ dựa vào nội lực, khó có thể để các xã tạo nên bước “đột phá” ở tiêu chí này.. Chưa kể, theo quyết định trên của Chính phủ, nếu trong trường hợp 3 xã Krông Búk, Ea Uy, Ea Knuếk được đạt Chuẩn nông thôn mới thì các xã còn lại là Ea Yiêng, Ea Hiu cần có ít nhất 14 tiêu chí trở lên đạt Chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 tiêu chí quan trọng là hộ nghèo và thu nhập phải đạt chuẩn. Đây lại là hai xã có nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng 3, có mức thu nhập thấp nhất của toàn huyện.

Đường giao thông nông thôn tại xã Ea Yông (la xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018) vừa được hoàn thành.
Đường giao thông nông thôn tại xã Ea Yông (la xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018) vừa được hoàn thành.

Tại cuộc họp góp ý về dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10 của Huyện ủy vừa được tổ chức mới đây, các đại biểu đều chung nhận định, thống nhất rằng, để Krông Pắc có thể tạo sự bứt phá, giúp các xã đạt tiêu chí này cần tăng cường nguồn lực đầu tư, hỗ trợ hộ nghèo của các xã trên để họ thay đổi hình thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập. Kinh phí dự kiến hỗ trợ cho các địa phương lên đến 118 tỷ đồng và được huy động từ nhiều nguồn, như: ngân sách Trung ương, ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác. Toàn bộ kinh phí này sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất. Hy vọng, với sự hỗ trợ của Nhà nước, bằng tinh thần tích cực, chủ động, tận dụng, khai thác tối đa lợi thế của địa phương, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa sẽ giúp các địa phương còn lại cải thiện, nâng cao thu nhập của người dân để hoàn thành tiêu chí số 10 trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.