Khởi sắc Ea Mnang
Năm 2008 trở về trước, xã Ea Mnang (huyện Cư M’gar) là một xã nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu… Cuộc sống của người dân nơi đây cứ quẩn quanh với cái nghèo và những con đường đất lầy lội, bụi bặm. Từ khi Nghị quyết 26-NQ/TW, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống đã thổi một luồng gió mới làm thay đổi diện mạo của xã.
Chuyển biến rõ rệt nhất là sản xuất nông nghiệp. Xã đã vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong đó đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết sản xuất với tiêu thụ và thị trường. Nhờ đó, các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất diện rộng, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm Nghị quyết Trung ương 7, khóa X đi thăm con đường hoa ở xã Ea Mnang. |
Năm 2018, tổng sản lượng lương thực của xã đạt trên 13.373 tấn, tăng trên 6.000 tấn so với năm 2008; diện tích, sản lượng cây công nghiệp cũng tăng mạnh, từ 172 ha, 568 tấn năm 2008 tăng lên 818 ha và trên 1.743 tấn năm 2018; sản lượng thịt hơi đạt 455 tấn, tăng 50% so với năm 2008. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt trên 10%, bình quân thu nhập đầu người năm 2017 đạt trên 32 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Đáng chú ý, kinh tế tập thể có sự phát triển mạnh, mở rộng theo hướng đa ngành nghề, đa dạng loại hình hoạt động. Hiện trên địa bàn xã có khoảng 17 trang trại, 2 HTX và nhiều mô hình trồng xen tiêu, cây ăn trái mang lại hiệu quả cao. Việc chuyển giao khoa học công nghệ cũng được người dân ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, nhất là về giống cây, con và quy trình sản xuất tiên tiến; cơ giới hóa trong sản xuất cũng đạt gần 90%, đã rút ngắn được thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Thứ trưởng Bộ Lao động-thương bình và xã hội Nguyễn Thị Hà thăm trang trại tổng hợp ở xã Ea Mnang (huyện Cư M'gar). |
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, xã Ea Mnang phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 4-5%; đến năm 2025 sản lượng lương thực có hạt ổn định từ 14.000-19.000 tấn/năm, thu nhập và điều kiện sống của người dân tăng 2 lần so với hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%... |
Bên cạnh đó, chương trình làm thay đổi nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn diện nhất có thể kể đến Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua hơn 7 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn không ngừng được khởi sắc, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá hộ giàu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo ra một diện mạo hoàn toàn mới cho xã. Giai đoạn 2011-2017, tổng kinh phí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thực hiện 29,88 tỷ đồng, trong đó xã đã huy động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân trên địa bàn còn góp 3.420 ngày công, hiến gần 22.000 m2 đất để mở rộng đường, bê tông hơn 8 km đường giao thông. Đến nay, các tuyến đường trục xã, liên xã, đường ngõ xóm, đường chính nội đồng cơ bản đã được cứng hóa 70%... Đặc biệt, công tác xóa đói giảm nghèo cũng luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, tạo nguồn lực và điều kiện cần thiết cho công tác này. Nhờ đó, năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 69 hộ (3,65%), giảm 279 hộ (14,76%) so với năm 2008…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc