Multimedia Đọc Báo in

Kỹ sư cây giống của buôn làng

08:45, 22/07/2018

Mong muốn giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, chàng trai trẻ Y Thuyl Niê (26 tuổi, dân tộc Êđê) đã gầy dựng vườn ươm cây cà phê giống chất lượng, kiêm tư vấn kỹ thuật. Với lòng nhiệt huyết, anh đã nhận được sự tin tưởng của bà con trong buôn làng, giúp họ có một cái nhìn mới về canh tác nông nghiệp hiện đại.

Ai từng có dịp đặt chân đến buôn Ayun, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk), thăm rẫy cà phê “3 trong 1” kết hợp cây công nghiệp và cây ăn trái (gồm cà phê, tiêu, bơ) của anh Y Thuyl Niê, hẳn sẽ rất ngạc nhiên và trầm trồ ngợi khen khi thấy vườn cây xanh mướt, hoa trái nặng trĩu. Y Thuyl cho biết, để có vườn cây xanh tốt như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực, thuyết phục người thân trong gia đình thay đổi suy nghĩ, lối canh tác. Sau khi tốt nghiệp ngành Khuyến nông, Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên (nay là Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên), năm 2010, Y Thuyl trở về phụ giúp gia đình công việc nương rẫy. Nhận thấy cà phê trong rẫy đã già cỗi, kém năng suất, anh góp ý với gia đình thử  tái canh bằng cách ghép chồi mới hoặc cây nào xấu thì nhổ bỏ trồng thay thế bằng giống cây ghép,  nhưng những người thân trong gia đình không đồng ý. Để minh chứng cho những điều mình nói, mỗi lần lên rẫy, anh lại lén cưa bỏ vài cây cà phê để ghép chồi thử nghiệm. Trong khoảng thời gian này anh và người thân trong gia đình thường xuyên mâu thuẫn vì bất đồng quan điểm trong việc cải tạo rẫy. Buồn vì không ai chịu nghe và thấu hiểu mong muốn của mình, Y Thuyl đã bỏ nhà lên phố xin làm thêm tại một vườn ươm cây giống của Viện Eakmat (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột). Tại đây trong quá trình làm nhân viên tư vấn bán hàng, anh được tiếp xúc với nhiều khách, trong đó có bà con đồng bào Êđê mình. Anh nhận thấy rằng, nhu cầu cần giống cây cà phê rất lớn và khi mua cây giống, khách hàng cần nhất là được tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, bản thân lại biết về những điều đó, vậy tại sao mình không thử sức? Chỉ làm nhân viên bán hàng được một thời gian ngắn, anh lại khăn gói trở về và bắt đầu vay vốn đầu tư làm vườn ươm.

Nhiều người đến tham quan vườn cà phê tái canh của Y Thuyl Niê.
Nhiều người đến tham quan vườn cà phê tái canh của Y Thuyl Niê.

Mới làm vườn ươm, chưa có nhiều khách hàng, Y Thuyl ghép giống cà phê chủ yếu để phục vụ cho bạn bè, người thân quen trong buôn. Anh chọn nhân giống từ cây thực sinh là cà phê gốc mít rồi ghép với ngọn cà phê vối TR4, bởi dòng này phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng Tây Nguyên, lại kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao. Nhờ cây ghép chất lượng tốt, từ năm 2012 đến nay, Y Thuyl đã bán ra thị trường hơn 80 nghìn cây giống, mỗi cây có giá trung bình từ 7 - 8 nghìn đồng. Vừa bán cây giống, Y Thuyl còn tận tình hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, đặc biệt là cách khử trùng đất trước khi xuống giống nhằm hạn chế các tuyến trùng độc hại. Anh Y Thuyl chia sẻ, để thuyết phục người dân trong buôn chuyển đổi giống cây cà phê rất khó, chỉ còn cách là mình phải làm cho họ thấy kết quả trước. Từ đó tạo động lực để họ học hỏi làm theo, có thay đổi tư duy trong sản xuất, tiếp nhận chọn lọc cái mới thì kinh tế mới phát triển.

Không ngại gian khó, Y Thuyl vừa tự mình làm vườn ươm vừa dành thời gian tái canh lại toàn bộ 7 sào rẫy cà phê để làm mô hình điểm cho khách tham quan. Đồng thời, trồng thêm hồ tiêu và mua thêm giống bơ trồng xen tăng thêm thu nhập. Sau một thời gian cà phê lên đẹp và cho quả bói rất sai, ai đi ngang vườn cũng tấm tắc khen tay nghề của Y Thuyl. Để trau dồi kiến thức nông nghiệp, Y Thuyl tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội. Thấy vườn cây nào đẹp, anh không ngại đường xa tìm đến tận nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm về áp dụng. Hiện nay khách hàng của Y Thuyl không chỉ là những người trong xã Cư Pơng mà đã mở rộng ra nhiều huyện khác như Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Năng…

Thời gian sắp tới để phục vụ khách hàng tốt hơn, Y Thuyl dự định sẽ mở rộng quy mô vườn ươm và làm thêm dịch vụ giao hàng tận nhà. Bên cạnh đó, chàng trai trẻ này còn ấp ủ mô hình liên kết với các bạn trẻ yêu thích nông nghiệp để làm mạng lưới phân phối cây giống của mình kết hợp tư vấn kỹ thuật và cách chăm sóc cà phê.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.