"Loạn" thị trường kính mắt
Kính mắt không chỉ là sản phẩm bảo vệ mắt, hỗ trợ các tật khúc xạ về mắt mà còn được coi như món đồ trang sức thời trang. Trước nhu cầu của người tiêu dùng, TP. Buôn Ma Thuột đang nở rộ các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.
Từ năm 2014 đến nay, tại TP. Buôn Ma Thuột, nhiều cửa hàng, trung tâm kính mắt hay “siêu thị” kính mắt đua nhau mọc lên. Mặt hàng này được bày bán đủ chssủng loại, từ kính cận, viễn, loạn thị đến kính râm, kính thời trang và được người bán giới thiệu là hàng Mỹ, Tây Ban Nha, Anh... có giá vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm. Theo các chủ cửa hàng, nhu cầu sử dụng kính mắt đã tăng lên khoảng 4-5 lần so với 3 năm về trước. Những sản phẩm có giá tầm 450.000-700.000 đồng/gọng kính chiếm lượng lớn người mua.
Bệnh nhân đến đo mắt tại Bệnh viện mắt Đắk Lắk. |
Đối diện với sự đa dạng của thị trường, người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”, không biết đâu là hàng thật, hàng chính hãng, đâu là hàng giả. Bên cạnh đó, một số cửa hàng trưng biển “giảm giá 50%” suốt nhiều tháng trong năm càng khách hàng thêm bối rối. Về vấn đề này, theo một tiểu thương chuyên kinh doanh kính mắt tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, kính mắt được bày bán trên thị trường tỉnh chủ yếu là hàng nhái của các thương hiệu thời trang lớn, phần lớn đều nhập từ Trung Quốc. Nếu đúng hàng chính hãng thì có giá rất cao, từ vài triệu, thậm chí đến cả chục triệu đồng/sản phẩm. Nhưng việc phân biệt rất khó, ngay chính sản phẩm có tem cũng chưa chắc là hàng thật, vì tem cũng có thể làm giả được. Chỉ những người trong nghề mới có thể phân biệt chính xác đâu là hàng thật - hàng giả.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng khoa Khám cấp cứu cận lâm sàng, Bệnh viện mắt Đắk Lắk khuyến cáo, để chọn được loại mắt kính phù hợp cho các tật khúc xạ, người dân nên đến các cơ sở chuyên khoa để thực hiện đo khúc xạ nhằm có kết quả chỉ số độ chính xác nhất. Tại đây, các kỹ thuật viên, bác sĩ chuyên khoa còn thực hiện các động tác thăm khám chuyên môn khác để chỉ rõ tình trạng của mắt và có giải pháp phù hợp cho việc đeo kính. |
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, “đầu vào” của những sản phẩm này có nhiều nguồn: hàng nhập chính hãng, có đầy đủ hóa đơn chứng từ; hàng xách tay; hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đáng lưu ý là hàng nhập lậu cũng được bày bán phổ biến và việc phân biệt cũng không dễ dàng nếu không có sản phẩm đối chứng và sự hợp tác của bản thân doanh nghiệp có hàng bị làm giả, nhái. Trong các đợt kiểm tra, không ít lần Chi cục QLTT phát hiện và thu giữ hàng ngàn sản phẩm kính mắt không rõ nguồn gốc, được giới thiệu là kính “hàng hiệu”, nhập ngoại và được bán với giá “trên trời”. Cách đây không lâu, Đội QLTT số 1 (thuộc Chi cục QLTT tỉnh) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh kính mắt có treo biểu hiệu “siêu thị mắt kính” của hộ kinh doanh tại đường Nguyễn Chí Thanh. Tại thời điểm kiểm tra, Đội đã phát hiện đến 1.750 gọng kính đeo mắt ngoại nhập, không rõ nguồn gốc. Hộ kinh doanh này đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của số hàng hóa nói trên. Đồng thời, cũng tự trưng biển hiệu là “siêu thị” trong khi không đủ điều kiện. Qua đấu tranh được biết, toàn bộ số hàng này được mua tại các tỉnh phía Bắc về tiêu thụ và không có hóa đơn chứng từ.
Mắt kính bày bán không rõ nguồn gốc được Chi cục Quản lý thị trường phát hiện, tịch thu. |
Đáng nói hơn, để chọn mua mắt kính, đầu tiên khách hàng sẽ được đo thị lực miễn phí tại cửa hàng. Tình trạng đo mỗi nơi một kiểu, một giá bán khác nhau càng khiến người tiêu dùng hoang mang. Chị Trần Thị Thu (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, tại các cửa hàng kính mắt bây giờ, có quá nhiều sản phẩm được người bán giới thịêu là hàng của Anh, Pháp, Mỹ... nhưng lại có giá chênh lệch nhau rất lớn. Không những thế, chị càng bối rối hơn khi đo mắt mỗi nơi cho ra một kết quả khác nhau.
Trên thực tế, đã có không ít người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mua phải kính mắt kém chất lượng với giá rất rẻ, cộng với việc đo thị lực không chính xác dẫn đến khi sử dụng kính xuất hiện tình trạng nhức mắt, khó chịu, đỏ mắt, thậm chí dễ dẫn đến mù lòa về sau. Chia sẻ về vấn đề này, theo Thạc sĩ, bác sĩ Lê Dương Thùy Linh, Trưởng khoa Khám cấp cứu cận lâm sàng, Bệnh viện mắt Đắk Lắk, trong số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện thì có khoảng 20-25% số người mắc các bệnh lý về khúc xạ. Song, việc đeo kính không bảo đảm chất lượng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là các loại kính mát. Đối với sản phẩm này, điều quan trọng nhất là tròng kính. Nếu chiết xuất của tròng kính thấp sẽ dễ dẫn đến hiện tượng tán xạ, gây khó chịu và lóa mắt cho người đeo. Còn với những người bị cận thị, viễn thị nếu đeo kính không đúng độ sẽ khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây căng thẳng thị lực và có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn như tăng độ. Để giảm rủi ro, người tiêu dùng nên lưu ý khi chọn mua kính mắt chỉ nên mua ở những cửa hàng, cửa hiệu uy tín. Đặc biệt, cần lưu ý chọn mua tròng kính bảo đảm chất lượng tốt, chiết xuất cao và ổn định về mặt hóa học. Thông thường, tròng kính có chiết xuất trên 1.50 là có thể bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, cũng nên tránh chọn tròng kính có cấu tạo bằng thủy tinh vì rất dễ gây tổn thương cho vùng mắt nếu không may xảy ra va chạm, vỡ vụn. Tốt nhất nên chọn tròng kính loại ormar, chống trầy và chống tia tử ngoại.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc