Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

09:01, 06/07/2018

Năm 1977, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Trương Công Thắng viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam và Campuchia.

Đến năm 1987, ông xuất ngũ trở về quê hương Nghệ An với tỷ lệ thương tật 61% (thương binh loại 2/4). Trở về với cuộc sống đời thường, dù làm đủ thứ nghề nhưng gia đình ông Thắng nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 1998, ông Thắng quyết định đưa vợ con vào lập nghiệp tại xã Ea Trang (huyện M’Đrắk).

Những ngày đầu khởi nghiệp, vợ chồng ông Thắng gặp nhiều khó khăn về vốn, quỹ đất sản xuất, cũng như định hướng sản xuất bởi nuôi con gì, trồng cây gì vẫn là bài toán khó của nhiều hộ dân ở xã Ea Trang lúc bấy giờ. Với bản lĩnh, ý chí của người lính Cụ Hồ, ông Thắng luôn trăn trở tìm hướng đi trong phát triển kinh tế để có điều kiện chăm lo cho vợ con, thoát khỏi cái nghèo, ổn định cuộc sống.

Tận dụng diện tích đất đồi quanh nhà, ông Thắng từng bước khai hoang phục hóa với dự định biến mảnh đất cằn cỗi thành một trang trại VAC kết hợp trồng rừng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2005, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng quy hoạch lại vườn tạp, xây chuồng nuôi gia súc, gia cầm, tận dụng nguồn thức ăn phong phú sẵn có của tự nhiên và đồng cỏ để thả bò. Với hình thức “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng cỏ voi, ngô, sắn để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho gia súc; những diện tích đất có độ cao, dốc thì đầu tư trồng rừng nguyên liệu – một hướng đi còn mới mẻ với nhiều hộ dân tại xã Ea Trang lúc bấy giờ. Không những thế, với lợi thế đất của gia đình nằm ngay trên tuyến Quốc lộ 26, nơi có nhiều phương tiện lưu thông, năm 2012 ông Thắng đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, đồng thời kinh doanh hoa lan rừng nhằm tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Trương Công Thắng (phải), Chủ tịch Hội CCB xã Ea Trang trao đổi kinh nghiệm  sản xuất với hội viên.
Ông Trương Công Thắng (phải), Chủ tịch Hội CCB xã Ea Trang trao đổi kinh nghiệm sản xuất với hội viên.

Đến nay, gia đình ông Thắng đã có hơn 10 ha rừng trồng nguyên liệu; chăn nuôi gà thả vườn, nuôi bò. Ngoài ra, cửa hàng tạp hóa và mua bán hoa lan rừng của gia đình ông cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, sau khi trừ chi phí, hằng năm gia đình ông có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Ông đã xây dựng ngôi nhà khang trang và có điều kiện chăm lo các con ăn học đầy đủ.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, trên cương vị là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Ea Trang, ông Thắng luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội và địa phương; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội CCB xã Ea Trang hiện có 108  hội viên sinh hoạt tại 9 chi hội thôn, buôn; trong đó có hơn 90% hội viên là người dân tộc thiểu số, kinh tế thuần nông, tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, đời sống còn nhiều khó khăn. Để vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, ông Thắng thường dành từ 2 - 3 ngày trong tuần đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, tranh thủ lên nương, lên rẫy cùng ăn, cùng ở, cùng làm với hội viên để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho hội viên; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của từng hội viên để hỗ trợ, giúp hội viên từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, đến nay toàn xã Ea Trang đã xây dựng được 30 mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.