Multimedia Đọc Báo in

Người Cựu chiến binh xung kích trên mặt trận kinh tế

08:10, 25/07/2018

Bắt đầu ươm cây giống ngoài giờ làm việc chính mỗi ngày để cải thiện thu nhập, sau gần 20 năm, ông Nguyễn Bá Phương (Chi hội Cựu chiến binh thôn 11, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã sở hữu vườn ươm hơn 3.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động ở địa phương.

Ông Phương vẫn còn nhớ như in những ngày “khởi nghiệp” vào năm 1999. Lúc bấy giờ, ông đang là công nhân của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Viện Ea Kmát). Thu nhập từ đồng lương công nhân eo hẹp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ông và vợ mua hạt cà phê giống chất lượng cao từ Viện Ea Kmát mang về nhà tự ươm trồng để cải thiện đời sống. Vốn lận lưng chỉ có sức khỏe và kiến thức kỹ thuật từ công việc tại Viện, vợ chồng ông tranh thủ mọi lúc để chăm chút cho vườn ươm của gia đình. Từ khâu ngâm hạt, ủ giống, xử lý đất, vào bịch, chăm sóc cây con... đều được tiến hành một cách cẩn thận nhất để có được cây cà phê giống khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Thế nhưng cây cà phê giống sản xuất được cũng khó tiếp cận thị trường. Nông dân đa phần chưa quan tâm đến những giống cà phê chất lượng cao có nguồn gốc từ Viện Ea Kmát mà thường tự lựa chọn hạt cà phê từ vườn nhà theo kinh nghiệm để tự ươm trồng. Không ngại khó khăn, vợ chồng ông tích cực giới thiệu về các giống cà phê mới, tận tình hướng dẫn kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê sao cho đạt năng suất cao, hạn chế sâu bệnh và thiệt hại do thời tiết bất lợi. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến ông Phương để học hỏi kỹ thuật và mua cây cà phê giống. Vợ chồng ông mạnh dạn mở rộng diện tích vườn ươm, tăng số lượng cây giống, đa dạng hóa chủng loại để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đến nay, vườn ươm của ông đã có lượng khách hàng thường xuyên, ổn định. Mỗi năm, ông cung cấp hơn 200.000 cây giống các loại, nhiều nhất là cà phê, tiêu, bơ, sầu riêng và cây lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Bá Phương hướng dẫn kỹ thuật chọn cây giống và cách thức chăm sóc cây mít thái siêu sớm cho khách hàng.
Ông Nguyễn Bá Phương hướng dẫn kỹ thuật chọn cây giống và cách thức chăm sóc cây mít thái siêu sớm cho khách hàng.

Không chỉ tích cực xây dựng kinh tế gia đình, ông còn có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế tập thể tại địa phương. Từ năm 2011, các hộ sản xuất cây giống tại xã Hòa Thắng đã thành lập hợp tác xã để phát huy các thế mạnh, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả nên không tạo được mối liên kết giữa các xã viên. Đến năm 2014, khi kiện toàn lại thành Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Thắng, ông Phương đã mạnh dạn đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm HTX, bắt tay vào việc củng cố hoạt động, xây dựng uy tín của cây giống mang thương hiệu của HTX. Dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Bá Phương, mỗi năm Hợp tác xã ký kết từ 8–10 hợp đồng với tổng số lượng từ 350.000 - 400.000 cây giống các loại, góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm cây trồng của xã viên. Đồng thời, HTX cũng làm tốt khâu truy xuất nguồn gốc khi khách hàng yêu cầu, chịu trách nhiệm về chất lượng cây trồng theo đúng hợp đồng đã ký kết. Ngoài việc đảm bảo chất lượng cây giống tại vườn ươm của gia đình, ông Phương cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ vườn ươm thành viên của hợp tác xã trong việc chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng, liên kết với các đơn vị HTX cây giống có uy tín của các địa phương khác để giữ gìn thương hiệu cho đơn vị mình.

Bên cạnh đó, ông Phương còn tích cực tham gia đóng góp cho công tác Hội Cựu chiến binh. Mỗi năm, ông đều đặn trích thu nhập của mình, ủng hộ từ 10–15 triệu đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương và của các cấp Hội Cựu chiến binh. Sự năng nổ, nhiệt huyết của ông đã thể hiện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng kinh tế, làm tấm gương cho các thế hệ sau học tập và noi theo.

Bảo Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.