Multimedia Đọc Báo in

Người thương binh "tàn nhưng không phế"

08:47, 26/07/2018

Trở về sau chiến tranh khi một phần cơ thể đã để lại chiến trường nhưng thương binh Phan Ngạn (tổ dân phố Hợp Thành 1, phường Thống Nhất, TX. Buôn Hồ) đã nỗ lực vượt lên khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.

Năm 1971, từ quê hương Hà Tĩnh, ông Phan Ngạn nhập ngũ khi mới cưới vợ được 3 tháng. Một năm sau, ông bị thương trong một trận đánh ở Gia Lai, rồi được điều về làm anh nuôi, phục vụ ở bộ phận hậu cần. Hai năm sau ngày đất nước thống nhất, người thương binh 4/4 Phan Ngạn đã đưa vợ con vào Đắk Lắk làm kinh tế mới. Những ngày đầu ở quê hương mới với muôn ngàn khó khăn nhưng ông không đầu hàng hoàn cảnh, vẫn tích cực khai hoang đất đai để làm kinh tế. Từ hai bàn tay trắng, với tinh thần lao động không ngừng nghỉ, ông Ngạn đã sở hữu 4 ha cà phê và hồ tiêu cho năng suất cao, thu nhập ổn định và nuôi 8 người con khôn lớn. Khi các con lập gia đình ai cũng được ông cho đất để sản xuất. Nay đã gần 70 tuổi mà vợ chồng ông vẫn làm 4 sào rẫy, mỗi năm cho thu hoạch 3 tấn tiêu và 1 tấn cà phê.

Ông Ngạn (đầu tiên từ trái sang)  dẫn khách tham quan vườn tiêu của  gia đình.
Ông Ngạn (đầu tiên từ trái sang) dẫn khách tham quan vườn tiêu của gia đình.

Không chỉ chăm lo cho kinh tế gia đình, ông Ngạn còn tích cực vận động người dân ở địa phương đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Năm 2015 ông đã đứng ra vận động 18 hộ dân trong khu phố đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện phá bỏ hàng rào để làm tuyến đường bê tông dài 250 m, rộng 6 m. Để mọi người làm theo, ông đã tiên phong trong việc góp của, góp công. Nhìn tuyến đường mới thoáng đãng, rộng rãi có thể giúp hai xe ô tô ngược chiều đi lại thuận lợi người dân nơi đây không thể quên sự nhiệt tình của người thương binh Phan Ngạn.

Ông Ngạn (giữa) trên tuyến đường do ông đứng ra vận động mọi người trong khu phố đóng góp xây dựng.
Ông Ngạn (giữa) trên tuyến đường do ông đứng ra vận động mọi người trong khu phố đóng góp xây dựng.

Ông Trần Văn Thủy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thống Nhất (TX. Buôn Hồ) nhận xét: “Là thương binh nhưng ông Ngạn đã vượt qua mọi khó khăn, vươn lên làm kinh tế và đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương. xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ đối với những thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế”.

Thái Huyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.