Multimedia Đọc Báo in

Phong trào thanh niên khởi nghiệp: Thu nhập tiền tỷ từ mô hình VAC

08:49, 18/07/2018

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Cơ khí, chế tạo máy (Trường Cao đẳng Kỹ thuật – Công nghệ TP. Hồ Chí Minh), anh  Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1990) ở  thôn Đoàn Kết, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) xin đi làm tại một công ty ở TP. Hồ Chí Minh.

Những lần về nhà thăm bố mẹ, thấy vườn cây và mảnh ruộng cằn cỗi sau nhà hiệu quả canh tác thấp nên năm 2014 anh quyết định trở về, tận dụng hơn 2 ha đất của gia đình để đầu tư phát triển kinh tế. Anh dùng toàn bộ số tiền 40 triệu đồng tích góp được trong những năm đi làm và vay mượn thêm 150 triệu đồng để mua dê và đào 2 ao nuôi cá. Nhưng do kinh nghiệm chưa có, đàn dê lần lượt đổ bệnh và chết, còn lứa cá đầu tiên cũng bị chết gần hết do bị ngợp khí.

Khởi đầu thất bại, nợ nần chồng chất, thế nhưng điều đó không làm anh Thủy nhụt chí mà càng tạo động lực để anh quyết tâm thực hiện ý định của mình. Anh bỏ hàng tháng trời để đi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá ở các vùng nuôi cá lớn trong tỉnh và kinh nghiệm nuôi dê từ các trang trại ở Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Khi trở về, anh Thủy quyết định vay thêm vốn, múc thêm một ao cá mới, nâng tổng diện tích ao cá lên hơn 600 m2, trong đó thả các loại cá như: cá rô phi, cá trắm, cá chép… Đồng thời anh mua 8 con dê cái, 1 con dê đực thuộc giống dê Boer, đây là giống dê to, có sức đề kháng cao, chỉ 4 tháng là có thể đạt trọng lượng từ 25 kg – 30 kg và có thể xuất. Lần này, anh thiết kế hệ thống chuồng ở cao ráo, thoáng khí cho dê và trồng giống cỏ voi lùn Đài Loan và cây keo để làm thức ăn cho dê và cá. Phân dê thải ra, anh đem ủ men vi sinh bón cho vườn cà phê, tiêu…

Anh Nguyễn Văn Thủy chăm sóc đàn dê của mình.
Anh Nguyễn Văn Thủy chăm sóc đàn dê của mình.

Từ 9 con dê ban đầu, chỉ sau 3 năm đàn dê phát triển lúc đỉnh điểm lên đến 400 con, nhiều người dân trong vùng biết và đã tìm đến tận nhà anh để mua dê giống. Bên cạnh tư vấn kỹ thuật nuôi dê, anh còn cấp con giống cho một số hộ dân và bao tiêu sản phẩm cho họ. Để nhiều người biết đến trại dê của mình, ngoài việc đăng lên mạng xã hội, anh còn lập một trang web riêng để quảng cáo. Nhờ đó, anh đã tìm được đầu ra ổn định cho đàn dê của mình ở các tỉnh miền Bắc và TP. Hồ Chí Minh. 

Cuối năm 2016, thông qua một doanh nghiệp, anh đã ký hợp đồng với Ngân hàng Thế giới (WB) về việc sử dụng dê của trại anh để cấp dê giống cho các hộ nghèo (nằm trong Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên). Năm 2017, hơn 1.000 con dê giống tại trại anh Thủy đã được cấp cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Ngoài việc nuôi dê, anh còn thu mua dê cho bà con trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hộ nghèo để xuất đi các vùng khác.

Anh Nguyễn Văn Thủy (bìa trái) đang giới thiệu mô hình nuôi cá cho cán bộ Đoàn xã.
Anh Nguyễn Văn Thủy (bìa trái) đang giới thiệu mô hình nuôi cá cho cán bộ Đoàn xã.

Theo tính toán, sau khi trừ chi phí mỗi năm anh Thủy thu về hơn 500 triệu đồng từ việc bán dê giống và thu mua dê. Ngoài ra với 3 ao cá của mình, anh đã ký hợp đồng với 1 vựa cá ở thị trấn Buôn Trấp, mỗi năm xuất bán gần 15 tấn cá các loại, sau khi trừ chi phí thu về hơn 300 triệu đồng. Đồng thời anh còn tận dụng những loại cá nhỏ, cá tạp không bán được phơi khô, xay làm thức ăn cho heo, nhờ đó giúp tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, vườn cây hơn 1.000 cây cà phê và gần 700 trụ tiêu (trong đó trồng mới gần 400 trụ tiêu) mỗi năm cũng mang về cho anh hơn 200 triệu đồng.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.