Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ vùng biên làm kinh tế giỏi

09:12, 02/07/2018

Nhiều chị em phụ nữ ở huyện Ea Súp đã khắc phục khó khăn, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Thành công với tinh dầu sả

Năm 1996, chị Vi Thị Mai cùng gia đình rời quê hương Thanh Hóa vào thôn 12, xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) lập nghiệp. Kinh tế của cả gia đình chị phụ thuộc vào việc trồng hoa màu như đậu, ngô. Mặc dù đất đai nhiều nhưng xấu nên năng suất cây trồng không cao, chị Mai luôn trăn trở tìm cây trồng mới phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2015, tình cờ xem trên truyền hình giới thiệu về mô hình trồng sả lấy tinh dầu trên vùng đất khô cằn ở Tuyên Quang cho hiệu quả cao, chị Mai liền học theo. Chị còn sang xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng sả, đồng thời chuyển đổi 3 sào đất trồng hoa màu của gia đình sang trồng sả. Qua 3 tháng trồng và chăm sóc thì cắt được một tấn lá sả, sau khi chưng cất thu được 16 lít tinh dầu sả. Với giá bán 250.000 đồng/lít, chị thu về được 4 triệu đồng, bước đầu có lãi.

Chị Vi Thị Mai (bìa trái) và chị Lương  Thị Hiện (bìa phải)  tại Lễ kỷ niệm 70 năm  Ngày Chủ tịch  Hồ Chí Minh ra Lời  kêu gọi Thi đua  ái quốc năm 2018.
Chị Vi Thị Mai (bìa trái) và chị Lương Thị Hiện (bìa phải) tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm 2018.

Nhận thấy cây sả sinh trưởng tốt, phù hợp với loại đất đồi pha sỏi đá tại địa phương, cho trữ lượng tinh dầu cao (đạt 10-15 lít/tấn lá) nên năm 2016 chị Mai đã mở rộng quy mô trồng sả lên 3 ha và mạnh dạn đầu tư một lò ép tinh dầu trị giá 160 triệu đồng. Theo chị Mai, việc trồng và chăm sóc cây sả không đòi hỏi nhiều công lao động, chi phí đầu tư ít. Trung bình 45 ngày là cắt lá một đợt, nếu chăm sóc tốt, mỗi héc ta sả sẽ thu được 4 tấn lá.

Hiện chị Mai đã mở rộng diện tích trồng sả lên 6 ha, với giá bán dao động từ 350.000-380.000 đồng/lít tinh dầu như hiện nay, sau khi trừ chi phí gia đình chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mỗi năm mô hình này đã giải quyết khoảng 360 công lao động nhàn rỗi tại địa phương (150 nghìn đồng/công). Ngoài ra, chị còn hỗ trợ giống, tư vấn kỹ thuật trồng và ép tinh dầu cho những hộ mới bắt đầu trồng sả và 8 nhóm Leg trên địa bàn xã.

Trong thời gian tới, chị Mai sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 3 lò ép tinh dầu nữa để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân trong vùng, đồng thời vận động những hộ trồng sả liên kết lại với nhau để thành lập Tổ hợp tác sản xuất tinh dầu sả mang thương hiệu Ya Tờ Mốt giúp cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn.

Chi hội trưởng phụ nữ gương mẫu

Chị Lương Thị Hiện ở thôn 8 (xã Ea Bung) không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn là một Chi hội trưởng phụ nữ thôn năng động, nhiệt tình. Trước đây, gia đình chị Hiện đã từng làm nhiều nghề để mưu sinh như làm bánh cuốn, đậu khuôn nhưng thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Nhận thấy nhu cầu xay xát lúa của người dân trong xã cao, nhất là vào mùa thu hoạch, năm 2015, sau khi được vay 10 triệu đồng từ nguồn “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo” của Hội Phụ nữ, chị Hiện đã mạnh dạn đầu tư mua máy xay xát để kinh doanh.

 
“Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, từ đầu năm đến nay, Hội đã kết nối cho 11 chị được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền là 410 triệu đồng, vận động hội viên đóng góp hơn 11 triệu đồng cho quỹ “Phụ nữ khởi nghiệp” và khoảng 600 ngày công lao động giúp phụ nữ nghèo”.
 
Bà Phạm Thị Anh Minh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Súp

Bên cạnh việc làm dịch vụ xay xát, chị Hiện còn nấu rượu để bỏ mối cho các cửa hàng. Đồng thời, tận dụng hèm rượu, nguồn phế phẩm từ quá trình xay xát để nuôi heo giúp giảm chi phí chăn nuôi, tăng thêm thu nhập. Nhờ vậy, đàn heo của gia đình chị luôn được duy trì từ 20-30 con, cho thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chị Hiện cũng thu mua lúa của người dân trong xã để xát gạo cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện và một số vùng lân cận như huyện Ea H’leo, một số địa phương của tỉnh Gia Lai… Mô hình dịch vụ xay xát kết hợp với nuôi heo đã đem lại nguồn thu nhập ổn định hằng năm từ 200-300 triệu đồng, đồng thời giải quyết việc làm cho 8-10 lao động nữ thời vụ (200-300 nghìn đồng/người/ngày).

 Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 8, chị Hiện luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào của Hội. Chị tích cực tuyên truyền vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để vươn lên thoát nghèo. Chị cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhiều chị em trong thôn học tập và làm theo, vận động hội viên trong chi hội chung tay hỗ trợ và giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn…

 Chị Mai, chị Hiện là hai gương điển hình trong phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi, giúp đỡ nhau làm kinh tế” của huyện Ea Súp được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm 2018. Các chị không chỉ vượt khó vươn lên làm giàu cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cũng như giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc