Thay đổi tư duy từ mô hình hợp tác xã kiểu mới
Được thành lập từ năm 2014 theo Luật Hợp tác xã (HTX) mới, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Nghĩa Lộc (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) đã từng bước khẳng định ưu thế của một tổ chức kinh tế tập thể.
Bà Nguyễn Thị Xanh, Giám đốc HTX cho biết, HTX Nghĩa Lộc nguyên trước đây là Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững xã Ea Nam thành lập năm 2012 do bà phụ trách. Hồi đó trước khi thành lập Tổ hợp tác, gia đình bà Xanh vẫn đang canh tác theo phương thức truyền thống trên diện tích 1,7 ha với sản lượng khoảng 6 tấn cà phê/năm. Một lần biết được Công ty TNHH Dakman Việt Nam có nhu cầu thu mua cà phê thóc đạt chuẩn từ các nông hộ với cam kết giá cao hơn giá thị trường, bà đã vận động các hộ sản xuất cà phê khác tại thôn Ea Ksô và thôn 3, xã Ea Nam cùng thành lập Tổ sản xuất cà phê bền vững. Tổ hoạt động với 12 nông hộ, tổng diện tích 15 ha. Tuy nhiên, với quy mô của một tổ hợp tác, nhiều khó khăn trở ngại khó được giải quyết như việc ký kết các giao dịch vay vốn, tiêu thụ sản phẩm, chứng nhận chất lượng… Tổ hợp tác đã vận động nhiều hộ sản xuất cà phê trong vùng tham gia thành lập HTX và kết quả có 48 hộ thành viên với tổng diện tích 134 ha cà phê. Từ khi thành lập đến nay, HTX Nghĩa Lộc đã theo đuổi định hướng sản xuất cà phê bền vững trên toàn bộ diện tích canh tác. Các thành viên HTX được tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác an toàn như ưu tiên sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm các tiêu chí về môi trường và chất lượng sản phẩm. Năm 2015, toàn bộ diện tích của HTX được Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương mại Công bằng (FLO) cấp chứng nhận Thương mại Công bằng (Fair Trade). Ngoài ra, HTX cũng đẩy mạnh việc sản xuất cà phê chế biến ướt để cung cấp cho các đối tác. Toàn HTX hiện có 6 cối xát vỏ cà phê tươi phục vụ cho việc chế biến ướt. Mỗi năm, HTX cung ứng từ 20 đến 30 tấn cà phê thóc chế biến ướt cho thị trường với giá chênh lệch từ 6.000 đồng/kg trở lên so với cà phê sản xuất theo quy trình thông thường.
Hệ thống rang cà phê bột của HTX Nghĩa Lộc. |
Có nguồn cà phê thô chất lượng tốt, các xã viên có nguyện vọng phát triển rang xay cà phê để đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng, cũng như tạo thêm đầu ra cho sản phẩm. Năm 2017, HTX đã đăng ký, lập hồ sơ và được Chi cục Phát triển nông thôn Đắk Lắk hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hệ thống rang xay cà phê, với tổng trị giá 98 triệu đồng. Để quảng bá sản phẩm, các thành viên Hội đồng quản trị của HTX không ngần ngại chào hàng, gửi sản phẩm mẫu cho nhiều khách hàng lẻ, cửa hàng tạp hóa tại địa phương và các điểm kinh doanh cà phê tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Dù chỉ mới tham gia thị trường gần 1 năm, nhưng lượng hàng bán ra của sản phẩm cà phê rang nguyên hạt, cà phê bột của HTX đã đạt bình quân 120 kg/tháng. Ngoài ra, HTX cũng chủ động nghiên cứu những sản phẩm mới như túi thơm hạt cà phê, mở rộng đối tượng sử dụng, tiêu thụ.
Nhờ bước đi đúng hướng và hiệu quả, HTX hiện đang được tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) để tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ xã viên phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc