Tọa đàm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Sáng 31-7, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với UBND huyện Krông Pắc và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Gần 100 đại biểu là nông dân trên địa bàn huyện đã được tìm hiểu về các đặc tính khác biệt của từng bộ giống cà phê chín trung bình TR4, TR5, TR7, TR8, TR13 (tháng 11 đến giữa tháng 12); bộ giống cà phê chín trung bình đến hơi muộn TR9, TR11, TR12 (chín tập trung tháng 12 đến tháng 1 năm sau); bộ giống cà phê chín muộn TR14, TR15 đang được Bộ NN–PTNT công nhận cho sản xuất thử (có khả năng tiết kiệm được 1 đợt tưới); các đặc tính ưu việt của hạt giống cà phê vối lai đa dòng TRS1 (kháng rỉ sắt cao, chín tập trung tháng 11, tháng 12). Ngoài ra, bà con nông dân còn được tiếp cận các giống cà phê chè, bơ, sầu riêng, cam, quýt, dâu tằm, cây dược liệu; quy trình phòng trừ bệnh thối rễ trên cây cà phê, chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng trên cây cà phê bằng việc phân tích đất; công thức bón phân mùa khô, mùa mưa cho cà phê kiến thiết cơ bản, cà phê kinh doanh; công thức bón phân cho hồ tiêu giai đoạn sau thu hoạch, giai đoạn nuôi quả…
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, đại diện các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trực tiếp lý giải nguyên nhân cây bơ ra hoa nhiều nhưng không đậu quả, tình trạng rụng quả non trên cây ăn quả; việc xử lý sâu bệnh hại trên cây bơ, sầu riêng an toàn cho nông dân và người tiêu dùng; bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu; các giải pháp phát triển vườn cây công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đại diện nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp giải đáp các thắc mắc cho nông dân về cây cà phê, hồ tiêu, bơ... |
Huyện Krông Pắc hiện có khoảng 17.000 ha cà phê, 1.000 ha sầu riêng, khoảng 200 ha bơ. Phần lớn sầu riêng đều được trồng xen canh trong vườn cà phê và đem lại nguồn thu lớn cho nông dân. Hiện tại, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đang phối hợp với ngành Nông nghiệp nghiên cứu đưa ra quy trình kỹ thuật trồng xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích, việc áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ góp phần sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ hiệu quả, an toàn nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Khoa học phải đi kèm với thực tiễn, do đó những kinh nghiệm, kiến nghị, ý kiến góp ý của nông dân là tiền đề để các nhà khoa học, nhà quản lý tiếp nhận và thực hiện tốt vai trò của mình.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc