Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau mầm

08:10, 25/07/2018

Với mong muốn tạo ra thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị kinh tế cho gia đình, anh Đinh Công Hòa (số 23/1 đường Giải Phóng, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy sản xuất rau mầm công nghệ cao, hướng đến xây dựng chứng nhận VietGAP để phân phối rau mầm ra thị trường nội thành.

Anh Hòa cho biết, với công suất của hệ thống máy này, mỗi ngày gia đình anh có thể sản xuất được 100 kg rau mầm các loại (từ đậu xanh, đậu đen, đậu nành…). Hệ thống máy có khả năng hoạt động hoàn toàn tự động theo nhiệt độ và độ ẩm môi trường được thiết lập sẵn, hoặc hoạt động theo chu trình do người dùng thiết lập theo thời gian trên cơ sở nghiên cứu đã xác định các thông số về môi trường sinh trưởng lý tưởng của từng loại rau mầm, từ đó có thể điều khiển quy trình tưới nước hợp lý, đáp ứng nhu cầu nước cần thiết cho mầm phát triển nhằm tăng năng suất, gia tăng hiệu quả kinh tế. Với loại máy này, cứ 3 ngày anh Hòa sản xuất được một lứa rau mầm. Các loại rau mầm được sản xuất từ hệ thống máy bảo đảm an toàn, dễ dàng đáp ứng các chỉ tiêu cho việc cấp chứng nhận VietGAP.

Anh Đinh Công Hòa đang giới thiệu hệ thống máy sản xuất rau mầm của gia đình.
Anh Đinh Công Hòa đang giới thiệu hệ thống máy sản xuất rau mầm của gia đình.
Rau mầm được sản xuất từ các loại hạt rau, đậu đỗ, dễ tiêu hóa, có nhiều vitamin, chất khoáng hữu cơ, axit amin, chất đạm, các enzym có ích khác. Các chất dinh dưỡng này rất quan trọng đối với sức khỏe của con người vì thế nhu cầu về sử dụng rau mầm ngày càng được thị trường quan tâm.

Hiện sản phẩm rau mầm của gia đình anh Hòa đang giới thiệu tại cửa hàng “Ba sạch” (số 51 đường Trần Phú, TP. Buôn Ma Thuột) và phân phối lẻ theo yêu cầu của khách hàng. Với công suất sản xuất chừng 100 kg rau mầm/ngày (giá bán từ 10.000 – 14.000 đồng/kg các loại rau), mỗi tháng, trừ chi phí gia đình anh có nguồn thu nhập khá. Điều quan trọng công việc này không đòi hỏi nhiều công lao động, dễ thực hiện theo quy trình hướng dẫn mà mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất rau mầm truyền thống.

Không chỉ có mô hình sản xuất rau mầm bằng máy của gia đình anh Hòa, trong thời gian qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật (trong đó có công nghệ cao) để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột ngày càng phát triển. Tính đến nay, thành phố có 7 cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp đã được cấp chứng nhận VietGAP, chiếm gần 2/3 tổng số cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP của cả tỉnh. Riêng từ năm 2017 đến nay, có 5 đơn vị trên địa bàn đã được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó 4 chứng nhận VietGAP được cấp cho sản phẩm rau an toàn, đưa sản lượng rau được cấp chứng nhận ước đạt 4.500 tấn/năm.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.