Chủ động phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng vụ hè thu
Hiện nay đang là cao điểm thời vụ chăm sóc các loại cây trồng vụ hè thu, nhưng thời tiết mưa, nắng bất thường khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng tiếp tục tăng cao.
Vụ hè thu 2018 huyện Ea Kar gieo trồng khoảng 30.300 ha cây trồng các loại, trong đó khoảng 6.600 ha lúa, 4.500 ha ngô, 4.900 ha sắn, gần 700 ha rau quả thực phẩm... Năm nay mưa xuất hiện rải rác giúp các loại cây trồng cơ bản có đủ nước để gieo trồng, nhưng nhiệt độ, độ ẩm cao hơn trung bình nhiều năm nên sâu bệnh hại đã và đang xuất hiện cục bộ ở một số nơi trên địa bàn. Cụ thể, cây lúa nước hiện trong giai đoạn đẻ nhánh đang bị dòi đục lá tấn công cục bộ rải rác trên các cánh đồng; tuyến trùng hại rễ, ốc bươu vàng gây hại cục bộ ở xã Cư Bông, Cư Yang, Cư Huê… Ông Trần Văn Đông, Phó Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho hay, để bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện tiếp tục theo dõi, điều tra ở cơ sở nhằm phát hiện kịp thời rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa; bọ phấn và khảm lá sắn trên cây sắn; bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu… Dựa trên kết quả khảo sát đó, huyện sẽ đưa ra các thông báo, dự báo 7 ngày các đối tượng dịch hại chính trên địa bàn để nông dân có thông tin khái quát về tình hình dịch bệnh và chủ động các phương án khống chế kịp thời. Ngoài ra, công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững cũng được chú trọng nhằm hạn chế tối đa việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, hiện có 30 nông dân tại các xã, thị trấn tham gia thực hành trên đồng ruộng.
Người dân xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông kiểm tra tiến độ sinh trưởng của cây lúa. |
Tại huyện Ea Súp, vụ hè thu năm nay toàn huyện có hơn 32.000 ha cây trồng các loại. Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, lúa là cây trồng chính của huyện, nhưng vụ đông xuân 2017-2018 lại bị thiệt hại lớn do lốc xoáy nên vụ hè thu trở thành vụ sản xuất chủ đạo của người dân. Vì thế, ngay từ đầu vụ bà con chủ động lựa chọn các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như TBR 225, BC15, NA2, HT-1… để gieo sạ. Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cây trồng như làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông…
Nông dân xã Ea Đar, huyện Ea Kar chăm sóc cây sắn. |
Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu 2018 toàn tỉnh gieo trồng được 210.000 ha cây trồng các loại, trong đó có một số cây trồng vượt kế hoạch như lúa 59.000 ha (vượt hơn 6.000 ha so với kế hoạch), khoai lang hơn 2.600 ha (vượt khoảng 700 ha), rau xanh 4.660 ha (vượt gần 1.000 ha), sắn 33.120 ha (vượt hơn 2.400 ha)… Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho hay, bên cạnh các cây ngắn ngày thì cây công nghiệp dài ngày cũng đối mặt với nguy cơ cao các loại dịch bệnh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Trong đó đáng chú ý là bệnh chết nhanh chết chậm trên cây hồ tiêu; bệnh thán thư, bọ xít muỗi hại cây điều, cây ăn quả... Do đó, biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất vẫn là thăm vườn thường xuyên để có chế độ chăm bón hợp lý giúp cây trồng phát triển, có sức đề kháng tốt; đồng thời nhanh chóng phát hiện và báo cho ngành chức năng khi phát hiện dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc