Multimedia Đọc Báo in

Đứng vững trên đôi chân không lành lặn

08:39, 18/08/2018
Gia đình có đến 7 anh em, hoàn cảnh lại khó khăn nên dù là con áp út, lại bị tật ở chân, nhưng không muốn mình là gánh nặng cho gia đình nên sau khi học xong lớp 12, anh Y Phăng Mlô (SN 1992, ở buôn Jok, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) ở nhà phụ giúp chị gái bán hàng quán, kiếm thêm thu nhập.
 
Dù ở nhà nhưng Y Phăng vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghệ thuật trồng cây cảnh, bonsai. Anh thường lân la đến những nơi có cây cảnh để quan sát, nhìn ngắm và… ghi nhớ trong đầu. Anh còn đến những cơ sở sản xuất, buôn bán chậu cây cảnh xem cách người ta đúc chậu, sau đó về nhà tập làm ra những chậu cảnh từ  nhỏ đến lớn, đơn giản đến phức tạp theo ý thích, vừa có thể tiết kiệm chi phí lại vừa thỏa sức sáng tạo.
 
Khi đã làm quen, tích lũy được kinh nghiệm, nhận thấy nhu cầu sử dụng chậu cây cảnh ở địa phương khá lớn, Y Phăng đã quyết định đúc chậu để bán. Thời gian đầu không có vốn, anh đã được Đoàn xã Ea H’đing động viên, hướng dẫn vay vốn khởi nghiệp. Năm 2016, anh được Huyện Đoàn Cư M’gar hỗ trợ 20 triệu đồng vốn vay từ Quỹ Khởi nghiệp để sản xuất chậu cảnh. 
 
Anh Y Phăng Mlô say mê với công việc đúc chậu.
Anh Y Phăng Mlô say mê với công việc đúc chậu.
Có vốn, Y Phăng đầu tư mở rộng mặt bằng, mua thêm máy cắt - hàn, vật liệu và chuyên tâm với công việc đúc chậu. Đến nay, anh đã sáng tạo được trên 20 kiểu dáng từ chậu cảnh đến bàn ghế, làm thường xuyên 10 kiểu phổ thông; sản phẩm của anh được nhiều khách hàng yêu thích vì tính độc, lạ. Đó chính là công sức sau hơn một năm tự học hỏi trên sách báo, internet và sáng tạo của Y Phăng; những sản phẩm này đã phần nào đáp ứng được thị hiếu của khách hàng trên địa bàn huyện.
 
Anh Y Phăng cho hay, với nghề đúc sản phẩm bằng bê tông, quan trọng nhất là công đoạn làm khuôn, phải tính toán lượng sắt, độ dày sản phẩm sao cho phù hợp, tiết giảm tối đa chi phí mà vẫn bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Anh luôn cần mẫn với công việc của mình, những ngày mưa gió, ít người đặt hàng, anh vẫn cặm cụi đúc ra nhiều sản phẩm để trưng bày, đến khi trời nắng ráo là có sẵn hàng cung ứng ra thị trường.  Từ số lượng 5-10 chậu được bán ra ban đầu, giờ anh đã sản xuất và bán được hàng trăm chậu cảnh mỗi năm. Sau 2 năm, anh đã hoàn đủ vốn vay và có thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Y Phăng đã nhập một số mẫu ở Hà Nội về tập làm, thời gian tới anh sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, sáng tạo thêm nhiều mặt hàng nữa.
 
Với ý chí, nỗ lực vươn lên, Y Phăng đã truyền cảm hứng cho những người đồng cảnh ngộ “tàn nhưng không phế”, không chỉ có thể tự lo cho bản thân mà còn đóng góp cho xã hội. Với Y Phăng, hạnh phúc không chỉ đơn giản là được làm những gì mình yêu thích mà còn là được đứng vững trên chính đôi chân của mình.
 
Mai Sao
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.