Multimedia Đọc Báo in

Gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực tiễn

08:08, 04/08/2018

Việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên nhu cầu thực tế ở huyện Krông Bông trong những năm qua đã và đang phát huy hiệu quả, giúp người dân có điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Bắt đầu chăn nuôi bò từ năm 2012, thế nhưng đến năm 2016, gia đình ông Phạm Minh Hải (thôn Hòa Xuân, xã Hòa Sơn) cũng chỉ dừng lại ở việc nuôi đơn lẻ một vài con. Đến năm 2017, sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi bò do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Bông dạy ông Hải mới mạnh dạn phát triển đàn bò để tạo thêm thu nhập cho gia đình. Với những kiến thức được học, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn và tự tìm hiểu thêm qua báo đài, mạng Internet về kỹ thuật chăn nuôi bò, đầu năm 2018, ông quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi. Ông Hải chia sẻ: “Trước đây tôi nghĩ nuôi bò là việc rất đơn giản, nhưng sau khi được nghe giảng dạy kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc, phòng dịch bệnh đến thời gian xuất chuồng... tôi mới vỡ lẽ ra nhiều thứ. Từ đó, mới thấy tự tin, mạnh dạn hơn để đầu tư phát triển sản xuất”. Hiện nay, đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên đến 16 con, để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, gia đình ông đã quyết định chuyển gần 1 ha đất trồng cà phê và lúa sang trồng cỏ. Được biết, mô hình nuôi bò thịt hiện đang phát triển mạnh trên địa bàn xã Hòa Sơn nói chung và ở thôn Hòa Xuân nói riêng. Theo ông Hải, thôn có 123 hộ dân nhưng có đến khỏang 100 hộ chăn nuôi bò; trong đó, hộ nuôi ít thì 2-3 con, hộ nuôi nhiều lên đến gần 20 con.

Ông Phạm Minh Hải (xã Hòa Sơn) chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ông Phạm Minh Hải (xã Hòa Sơn) chăm sóc đàn bò của gia đình.

Tương tự gia đình ông Hải, chị H’Nhip Niê (buôn M’nang Dơng, xã Yang Mao) cũng đã mạnh dạn phát triển đàn bò của gia đình sau khi tham gia lớp học nghề chăn nuôi bò vào năm 2017. Theo chị H’Nhip, khi chưa đi học lớp chăn nuôi, lúc bò bị bệnh nặng hay nhẹ gì cũng phải kêu bác sĩ thú y. Thế nhưng qua lớp học, chị biết được kỹ thuật tiêm, chẩn đoán được những bệnh đơn giản nên có thể chủ động mua thuốc rồi tiêm hay phòng bệnh cho vật nuôi. Không những thế, nhờ được chăn nuôi theo đúng kỹ thuật, đàn bò của gia đình chị sinh trưởng và phát triển tốt hơn trước đây nên khi xuất bán được giá hơn rất nhiều. Được biết, trung bình mỗi con bò sau 1 năm chăn nuôi có thể cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí).

Cùng với các lớp dạy chăn nuôi bò, Trung tâm còn mở lớp dạy những ngành nghề được người dân quan tâm theo học như sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi heo… Để nâng cao chất lượng đào tạo, các cán bộ dạy nghề đã xuống tận các địa phương để giảng dạy cũng như tăng cường thêm thời gian thực hành để học viên nắm bắt và ứng dụng trong quá trình sản xuất, chăn nuôi của gia đình.

Học viên lớp chăm sóc cây cà phê tham gia thực hành tại vườn.
Học viên lớp chăm sóc cây cà phê tham gia thực hành tại vườn.

Ông Nguyễn Mai Tiến, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trước đây, người dân chủ yếu sản xuất, chăn nuôi theo thói quen, năng suất và lợi nhuận thu được thường không cao. Sau khi tham gia các lớp học nghề, họ đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Hơn thế nữa, việc dạy nghề gắn với nhu cầu thực tiễn cũng đã giúp các học viên sau khi học nghề đều có việc làm ổn định; trong đó, hầu hết học viên đều tự đầu tư phát triển sản xuất như chăn nuôi bò, heo, gà, trồng cà phê…”.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, trong 6 tháng đầu năm 2018 huyện đã mở được 3 lớp dạy nghề cho 105 người, gồm các nghề: chăn nuôi bò, sửa chữa máy nông nghiệp, chăm sóc cây cà phê; dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm từ 6 -7 lớp.


Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.