Ghi nhãn hàng hóa: Còn nhiều vi phạm
Nhãn hàng hóa là một trong những dấu hiệu để người tiêu dùng phân biệt nguồn gốc, xuất xứ, công dụng... của sản phẩm được bày bán trên thị trường. Việc ghi nhãn hàng hóa là bắt buộc trong kinh doanh, nhưng trên thị trường, các vi phạm về vấn đề này đang diễn ra khá phổ biến.
Theo quy định, nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát. Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo (nếu có)…
Trên thị trường tỉnh, hàng hóa vi phạm về nhãn mác diễn ra tràn lan. Tại nhiều chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhiều loại thực phẩm như lạp xưởng, bánh kẹo... được xếp đầy trên các sạp mà không hề có nhãn mác. Các thông tin cảnh báo về vệ sinh, an toàn, hướng dẫn sử dụng, bảo quản hầu như chẳng thấy đâu. Tương tự, việc chấp hành các quy định về nhãn hàng hóa ở các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em càng phổ biến, nhiều loại đồ chơi được bày bán mà không có các thông tin bắt buộc về nhãn hàng hóa. Trên vỏ hộp của nhiều loại đồ chơi có mã vạch 692 - mã vạch của Trung Quốc - nhưng không hề có thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu cũng như nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra nhãn hàng hóa đối với mặt hàng mỹ phẩm được bày bán tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, trên thực tế, việc ghi nhãn hàng hóa được thực hiện khá tốt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, song tại các hộ kinh doanh, quầy tạp hóa, nhiều thông tin quy định bắt buộc trong nhãn hàng hóa chưa được thực hiện đầy đủ, không rõ ràng. Nhiều cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, nhãn bị rách hoặc mờ, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không đầy đủ nội dung theo quy định... Vi phạm này thường rơi vào các mặt hàng nhập ngoại, nhất là những mặt hàng “xách tay”.
Về mức xử phạt ở lĩnh vực này, từ ngày 15-12-2017, Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 1-11-2017 (gọi tắt là Nghị định 119) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên vẫn còn nhiều đối tượng bất chấp, cố tình không ghi thông tin hoặc ghi mập mờ, không đầy đủ về nhãn hàng hóa. Đây cũng là chiêu thức của gian thương làm hàng giả, nhái nhằm qua mặt lực lượng chức năng và “đánh lừa” người tiêu dùng. Cụ thể như gần đây, xuất hiện các sai phạm như hình ảnh minh họa, tên gọi của sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với các hàng hóa khác, nhất là các hàng hóa có thương hiệu; thông tin về hàng hóa bị thổi phồng công dụng, hàng hóa không có hướng dẫn đầy đủ về việc bảo quản, bảo hành... Mới đây nhất, Chi cục QLTT tỉnh đã phát hiện Công ty TNHH L.L.Th (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang gia công, đóng gói 81 thùng sơn các loại và 128 bao bột bả cao cấp (loại 40kg) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được đăng ký sở hữu công nghiệp nhãn hiệu Dulux của Công ty AkzoNobel Việt Nam. Chi cục đã xử phạt 78 triệu đồng và buộc doanh nghiệp trên loại bỏ và tiêu hủy yếu tố vi phạm.
Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra nhãn hàng hóa đối với mặt hàng thực phẩm đóng gói được bày bán tại thị xã Buôn Hồ. |
Để bảo vệ mình trước “mê trận” hàng hóa “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường, ông Nguyễn Đào Chí, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh khuyến cáo, người tiêu dùng nên tạo thói quen xem kỹ thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, chọn mua hàng có nhãn mác rõ ràng, tem hợp chuẩn, nhãn phụ bằng tiếng Việt (nếu là hàng nhập khẩu). Đặc biệt lưu ý, không nên ham rẻ mà mua hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác. Trong trường hợp nhãn hàng hóa không rõ ràng, mập mờ thì hàng hóa nhất định có “vần đề” và tốt nhất là không nên chọn mua.
Trong số 39 vụ xử phạt vi phạm về nhãn hàng hóa do Chi cục QLTT tiến hành từ đầu năm đến nay, phần lớn là hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, kinh doanh hàng hóa không có nhãn hàng hóa, hàng hóa không có dấu hợp quy, kinh doanh hàng hóa có ghi nhãn không đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính, giá trị hàng hóa tịch thu, truy thu lợi nhuận bất hợp pháp gần 2 tỷ đồng; các mặt hàng thường xảy ra vi phạm là quần áo, kính mắt, đồ chơi trẻ em... |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc