Multimedia Đọc Báo in

Giới trẻ buôn làng hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

08:30, 15/08/2018
Đổi mới tư duy trong sản xuất, nhiều bạn trẻ ở các buôn làng vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã chủ động tiếp cận phương pháp canh tác nông nghiệp hiện đại, vừa áp dụng cho vườn cây nhà mình để tăng năng suất vừa chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau phát triển kinh tế. 
 
Được sự giúp đỡ của bạn bè về giống và kỹ thuật chăm sóc, 5 sào cà phê già cỗi ngày nào của anh Y Thu Mlô (SN 1989), ở buôn Tlan, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) đã được tái canh và cho quả bói trĩu cành. Thấy được hiệu quả rõ rệt từ việc thay giống cà phê mới, Y Thu  nghĩ đến việc kết nối nhóm  các bạn trẻ có chung niềm đam mê. Từ đó Y Thu cùng hai người bạn là Y Thiên, Y Thuyl tổ chức buổi gặp gỡ, tham quan mô hình cà phê đầu tiên ngay tại buôn làng mình.
 
Buổi gặp thu hút khoảng 20 bạn trẻ từ các buôn trong vùng đến tham dự với mong muốn giao lưu học hỏi. Tuy mỗi người trong nhóm làm công việc khác nhau, người chuyên về kỹ thuật canh tác, xử lý đất, ghép chồi, người hiểu biết về phân bón… nhưng họ cùng có chung một ý tưởng hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững. Thông qua buổi tham quan thực tế, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cà phê sẽ giúp ích cho việc cải thiện rẫy vườn của các thành viên trong nhóm.
 
Y Thu tâm sự:  Trước đây hầu hết người dân trong buôn vẫn canh tác theo kiểu truyền thống lạc hậu nên năng suất không cao. Nay thế hệ trẻ như chúng tôi được ăn học, được trang bị kiến thức nên luôn muốn mang cái mới hữu ích đến cho bà con, giúp bà con  thay đổi tư duy từ những việc làm cụ thể, mà cách hữu hiệu nhất là việc cải tạo vườn cây của chính mình. Trong thời gian tới nhóm bạn của Y Thu sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tham quan mô hình nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
 
Vườn cà phê trĩu quả của Y Thu Mlô.
Vườn cà phê trĩu quả của Y Thu Mlô.
Với ý chí quyết tâm thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, anh Y Kăm Mlô ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) thường xuyên cập nhập tin tức từ mạng xã hội facebook về cách làm nông nghiệp thông minh. Hễ biết thông tin ở đâu có mô hình và cách làm hay là Y Kăm không ngại đường xa đến tham quan, học bí quyết.
 
Nhằm tiết kiệm sức lao động, hằng ngày Y Kăm với nhóm bạn trong buôn cùng tham gia đổi công, đồng thời giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đó, vừa trao đổi kinh nghiệm sản xuất vừa góp ý cho nhau cách cải tạo vườn rẫy theo hướng hiện đại. Cũng nhờ thế các giống cây cà phê trồng thực sinh kém năng suất dần được Y Kăm thay thế bằng giống cao sản từ việc ghép chồi non.
 
Ngoài việc ghép chồi cà phê, nhóm bạn của Y Kăm còn cùng nhau tự ghép một số loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng giúp giảm thiểu chi phí đầu tư mua giống ban đầu. Việc học hỏi kinh nghiệm, giúp nhau làm kinh tế không chỉ giúp Y Kăm có cơ hội giao lưu mà còn tạo động lực cho các bạn trẻ có thêm ý chí phấn đấu. “Nếu như canh tác theo kiểu truyền thống trước đây, trồng giống cà phê thực sinh và không xen canh thì một năm thu về chẳng là bao, chưa nói đến các khoản chi phí bón phân, tưới nước… Nhưng làm nông nghiệp hiện đại, trồng xen canh thêm cây ăn trái thì 2 sào thu về cũng kha khá” - Anh Y Kăm Mlô chia sẻ.
 
Năng động, tiếp thu chọn lọc cái hay và mới đó là cách mà các bạn trẻ ở các thôn buôn đang làm để giúp nhau tiếp cận với phương pháp canh tác nông nghiệp hiện đại thời công nghệ 4.0. 
 
Djuang Niê
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.