Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông ở huyện Krông Pắc
08:28, 15/08/2018
Nhằm đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai thí điểm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, bước đầu đem lại những kết quả tích cực, được nhiều người dân tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Tiêu biểu như mô hình nuôi ếch thương phẩm của gia đình ông Phan Đình Quế, ở thôn 16, xã Ea Kly. Mặc dù mới được triển khai từ tháng 5-2017, song nhờ được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ con giống, vật tư cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật mới theo quy trình không gây ô nhiễm môi trường nên chỉ sau 4 tháng chăm sóc, 2.000 con ếch giống của gia đình ông Quế đều phát triển khỏe mạnh và cho hiệu quả kinh tế cao. Với giá bán trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, mỗi năm nuôi 3 lứa, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng.
Tương tự, mô hình lúa lai BTE1 cũng đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người sản xuất. Anh Hồ Văn Đào ở thôn Tân Bình, xã Ea Hiu phấn khởi chia sẻ: “Từ khi tham gia mô hình trồng lúa lai BTE1 và được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, gia đình tôi đã biết cách ủ và bón phân, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây. Giống lúa BTE1 dễ canh tác, đẻ nhánh khỏe nên năng suất trung bình đạt trên 10 tạ/sào, cao hơn hẳn giống lúa truyền thống trước đây gia đình tôi gieo trồng”.
Vụ hè thu 2018, người dân xã Hòa An chủ động đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất. |
Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện còn phối hợp với Công ty Thái Bình triển khai thử nghiệm mô hình lúa BC 15, TBR 1, TBR 45 và mô hình lúa Nông ưu 28, với quy mô 4 ha tại xã Hòa An. Trong quá trình thực hiện mô hình, mặc dù thời tiết diễn biến bất thường nhưng các giống lúa mới đều sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn nhiều tín hiệu khả quan về năng suất, bởi khả năng kháng sâu bệnh cũng như thích ứng với điều kiện thời tiết ở địa phương.
Từ năm 2017 đến nay, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai trình diễn hơn 40 mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả cao như: mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê, trồng cam sành và quýt ngọt, trồng dừa xiêm lùn xanh, sản xuất và sơ chế rau an toàn. Đồng thời tổ chức hơn 130 lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng sầu riêng, tiêu, bơ Booth, nuôi dê luân chuyển… Bên cạnh đó, trạm còn phát triển đội ngũ khuyến nông cơ sở với 19 khuyến nông viên cấp xã, 266 cộng tác viên khuyến nông thôn, buôn. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, đặc biệt trong các đợt dịch bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết, việc đưa các mô hình mới vào sản xuất thử nghiệm bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy trước khi triển khai thí điểm các mô hình, Trạm phải khảo sát kỹ nhu cầu thị trường và điều kiện thực tiễn để lựa chọn cây, con giống phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đồng thời, cử cán bộ khuyến nông đến vận động các hộ gia đình có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực mạnh dạn đăng ký tham gia.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do thiên tai, giá cả thị trường biến động, song trong những năm qua, việc triển khai nhiều mô hình khuyến nông trồng trọt và chăn nuôi không chỉ giúp giảm công lao động và chi phí sản xuất mà còn góp phần không nhỏ trong việc thay đổi thói quen canh tác lạc hậu của người dân, đem đến nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để người dân yên tâm mở rộng sản xuất.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc