Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững

06:55, 01/08/2018

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Yông ( huyện Krông Pắc) hiện có 21 chi hội với trên 3.000 hội viên. Trong những năm qua, bên cạnh công tác phát triển tổ chức hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ hội viên phụ nữ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Thực hiện tiêu chí mỗi năm có ít nhất một gia đình hội viên thoát nghèo bền vững, hội đã xây dựng tổ tiết kiệm tín dụng “Xóa đói giảm nghèo” để tạo nguồn vốn tại chỗ cho hội viên phát triển kinh tế gia đình; tín chấp cho hội viên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Mô hình trồng nấm của  gia đình  chị Lăng  Thị Viên  ở thôn  Lạng Sơn, xã Ea Yông.
Mô hình trồng nấm của gia đình chị Lăng Thị Viên ở thôn Lạng Sơn, xã Ea Yông.
 
“Thông qua chương trình tổ tiết kiệm tín dụng “Xóa đói giảm nghèo”, đến nay Hội đã xây dựng nguồn vốn tại chỗ được 1,6 tỷ đồng hỗ trợ chị em hội viên vay vốn làm ăn. Nhờ đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, trong năm 2017, trên địa bàn xã đã có 52/128 hội viên thoát nghèo”.
 
 Đỗ Thị Thơm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Yông

Chị H’Rỗn Niê ở buôn Jũng 2 là một trong số hội viên thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn vay của hội. Chị H’Rỗn cho biết: Năm 2005 gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Được Hội Phụ nữ xã cho vay vốn, gia đình chị đã mua 2 con bò cái để nuôi. Mỗi năm bò sinh sản được 2 bê con. Đến năm 2010, gia đình chị bán 12 con bò để xây dựng được một căn nhà cấp 4. Từ đó, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững. Không những vậy, nhờ tích cực tham gia vào các lớp tập huấn kỹ thuật về cây trồng vật nuôi, chị trồng xen canh cây sầu riêng trên diện tích đất trồng cà phê của gia đình, đến nay đã đem lại thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm. Hiện gia đình chị đã xây dựng lại một ngôi nhà mới khang trang hơn.

Ngoài hỗ trợ vốn, Hội Phụ nữ xã còn tích cực vận động hội viên phát triển kinh tế; phối hợp với Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện thường xuyên mở các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào phát triển sản xuất như: kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, kỹ thuật trồng nấm sạch và trồng rau an toàn... Điển hình là chị Lăng Thị Viên ở thôn Lạng Sơn với mô hình trồng nấm. Ba năm trước, chị Viên tham gia một lớp tập huấn do Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức dạy về kỹ thuật trồng nấm dai. Sau đó, chị đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng để xây dựng khu vườn trồng nấm. Nhờ nắm vững kỹ thuật, mô hình trồng nấm của chị mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, thu nhập gia đình được cải thiện hơn trước.

Chị H’Rỗn Niê ở buôn Jũng 2, xã Ea Yông bên ngôi nhà mới của gia đình.
Chị H’Rỗn Niê ở buôn Jũng 2, xã Ea Yông bên ngôi nhà mới của gia đình.

Hiện tại, với hơn 5.000 bầu nấm, gia đình chị đã cung cấp cho thị trường bình quân 20 - 30 kg nấm/ngày, mỗi năm thu nhập được trên 60 triệu đồng. Không chỉ là hội viên làm kinh tế giỏi, chị Viên còn rất năng động trong công tác hội ở thôn, chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về mô hình trồng nấm của mình với chị em… 

Duyên Mai - Xuân Thái


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.