Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Tạo lực đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể

06:55, 01/08/2018

Xác định rõ tầm quan trọng của loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp nông thôn, huyện Krông Búk đã có nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã (HTX) duy trì hoạt động, từng bước phát triển bền vững.

Huyện Krông Búk hiện có 152 doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang hoạt động; 1.984 hộ kinh doanh được cấp giấy phép và 9 HTX (chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, thu mua nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp).

Vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn FLO-CERT của ông Dương Ngọc Hanh (giữa) xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai (thôn 2, xã Ea Ngai).
Vườn cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn FLO-CERT của ông Dương Ngọc Hanh (giữa) xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai (thôn 2, xã Ea Ngai).

Ông Phan Hoàng Lâm, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Búk cho biết, năm 2005 huyện Krông Búk được tỉnh bàn giao quản lý Cụm công nghiệp (CCN) Krông Búk 1 (nằm trên địa bàn xã Pơng Đrang) có tổng diện tích 69,32 ha, với sự đầu tư đầy đủ hệ thống lưới điện trung áp, đường giao thông kiên cố, mặt bằng sạch… Trên cơ sở đó, UBND huyện đã triển khai thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá, cung cấp thông tin về điều kiện đầu tư - phát triển. Mặt khác, các phòng chức năng của huyện cũng hỗ trợ tối đa về giải quyết thủ tục hồ sơ pháp lý thông qua việc minh bạch hóa cơ chế, chính sách; hỗ trợ giá cho thuê đất... Đến nay, CCN Krông Búk 1 có 12 dự án đã được thỏa thuận vị trí đầu tư với diện tích là 45,64 ha (tỷ lệ lấp đầy đạt 88%), trong đó có 8 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn ước khoảng 357 tỷ đồng, các dự án khác đang tiếp tục được triển khai.

 

“Những năm qua, ngành thương mại - dịch vụ của huyện Krông Búk được duy trì phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá với giá trị trung bình hằng năm ước đạt 916 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018 tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ chiếm 30,7 % trong cơ cấu kinh tế của huyện”.

 
 
Ông Phan Hoàng Lâm, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Búk

Mặt khác, hằng năm huyện Krông Búk cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế tư nhân, HTX; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhằm tạo mối liên kết cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị. Đơn cử như trước đây, HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai (thôn 2, xã Ea Ngai) chủ yếu chỉ quản lý, điều tiết nước tưới của 2 công trình hồ chứa trên địa bàn xã. Hằng tháng mỗi xã viên HTX chỉ nhận mấy trăm nghìn đồng tiền trợ cấp của Nhà nước, không có thu nhập gì thêm. Ông Đặng Văn Thân, Giám đốc HTX cho hay, được sự hướng dẫn trực tiếp của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2014, đơn vị đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Dak Man (địa chỉ phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất - tiêu thụ cà phê sạch bền vững có chứng nhận tiêu chuẩn FLO-CERT. Đến nay, HTX đã kêu gọi được 20 hộ xã viên tham gia sản xuất cà phê sạch trên tổng diện tích 63,5 ha. Sau khi hạch toán kinh doanh, HTX thu mua cà phê của xã viên cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.500 đồng/kg. Năm 2017, tổng doanh thu riêng trong lĩnh vực sản xuất cà phê sạch của HTX Dịch vụ nông nghiệp Ea Ngai đạt 9,7 tỷ đồng, tăng hơn 4,2 tỷ đồng so với năm 2014.

Tương tự, Công ty TNHH Nông nghiệp Phú Thịnh ở thôn Ea Tút, xã Pơng Đrang được thành lập năm 2017 với mô hình hoạt động chính là trồng rau an toàn trong nhà lưới, sử dụng hoàn toàn bằng các biện pháp sinh học. Mô hình trồng đa dạng các loại rau, củ, quả như: đậu cô ve, dưa chuột, cà chua, xà lách, bắp cải, cà rốt... đạt năng suất ổn định, mỗi tháng bán khoảng trên 4 tấn rau các loại ra thị trường, thu lãi trên 40 triệu đồng.

Hoạt động kinh doanh hàng hóa được huyện Krông Búk cấp phép hoạt động ở xã vùng sâu Ea Sin.
Hoạt động kinh doanh hàng hóa được huyện Krông Búk cấp phép hoạt động ở xã vùng sâu Ea Sin.

Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Công ty cho hay: Đây là mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn nên được chính quyền rất quan tâm khuyến khích, hỗ trợ. Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Búk đã trích gần 90 triệu đồng từ quỹ Khởi nghiệp hỗ trợ mua rau giống và lắp đặt thêm nhà lưới 350 m2 để mở rộng quy mô sản xuất. Hội Nông dân huyện cũng hỗ trợ 1 tấn phân bón vi sinh…        

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.