Khát vọng làm giàu từ mắc ca
07:03, 14/08/2018
Với khát vọng làm giàu, vợ chồng chị H’Bích Niê Kđăm và anh Nguyễn Bá Đạo (Buôn Wiao A, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học tập và sản xuất ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng. Sự nhạy bén và nỗ lực của anh chị trong việc kinh doanh đã và đang mang lại hiệu quả.
Vợ chồng chị H’Bích kiểm tra những sản phẩm được chế biến từ mắc ca. |
Kết hôn vào năm 2010, anh chị được bố mẹ hai bên chia đất và vốn để làm ăn. Ngoài việc học cách chăm sóc cà phê để mang lại năng suất cao, hai vợ chồng còn tìm hiểu và học tập các mô hình kinh tế hay, điển hình từ các hộ khác quanh vùng để trau dồi kiến thức và nuôi ý chí làm giàu.
Những năm đó giá cả cà phê bấp bênh, nhận thấy thổ nhưỡng địa phương thích hợp để phát triển cây mắc ca nên năm 2014, anh Đạo đã nhổ bỏ 1 ha cà phê để trồng 400 cây mắc ca. Vào thời điểm đó thì đây là loại cây trồng mới trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh nói chung nên kinh nghiệm trồng, chăm sóc còn hạn chế. Vì thế, anh Đạo đã tự tìm tòi, học hỏi cách trồng, chăm sóc cây qua sách báo và tại các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do huyện, thị trấn tổ chức… Nhờ thực hiện đúng khoa học kỹ thuật nên sau 3 năm những cây mắc ca anh trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Chị H’Bích Niê Kđăm bên sản phẩm rượu cần mắc ca do chính mình tìm tòi nghiên cứu sản xuất. |
Từ việc trồng và am hiểu về cây mắc ca, vợ chồng anh Đạo còn thấy được tiềm năng trong việc kinh doanh loại hạt này, nhất là khi trên địa bàn thị trấn Krông Năng chưa có điểm nào thu mua hạt mắc ca. Vợ chồng anh bàn bạc và quyết định lập doanh nghiệp với ngành nghề chính là sản xuất giống và thu mua hạt mắc ca, làm thương phẩm hạt mắc ca mang thương hiệu Mắc ca Tây Nguyên để phục vụ khách hàng. Chỉ riêng việc kinh doanh giống cây mắc ca, bình quân mỗi năm bán được 5.000 - 6.000 cây.
“Sự nỗ lực làm giàu của vợ chồng anh Đạo, chị H’Bích rất đáng học hỏi, nhất là việc luôn năng nổ, đi đầu trong việc nắm bắt thị trường để phát triển kinh tế và mang lại hiệu quả. Đây là mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để các bạn trẻ tại địa phương học hỏi”
- Anh Nguyễn Công Luyện, Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng.
|
Anh Đạo cho biết, thực tế, các sản phẩm từ hạt mắc ca trên thị trường hiện nay thường chỉ có một loại sấy chín ăn liền, chứ chưa đa dạng về sản phẩm, chất lượng cũng chưa đồng nhất nên không có tính thương mại cao để xuất khẩu. Đó càng là lý do và động lực để anh phát triển các sản phẩm từ hạt mắc ca như: Hạt mắc ca rang củi, sữa tươi hạt mắc ca, cà phê mắc ca…và đặc biệt là rượu cần mắc ca.
Trong đó, rượu cần mắc ca là loại rượu độc đáo được chị H’Bích nghiên cứu và sản xuất, đó là một thành công bắt nguồn từ trăn trở làm sao giữ được nghề truyền thống của gia đình.
Chị H’Bích có bà ngoại vốn là người nấu rượu cần truyền thống. Bà đã già nhưng nghề nấu rượu cần lại không có con cháu theo học. Thấy nỗi lo của bà, chị H’Bích đã quyết định tranh thủ thời gian theo học. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm nấu rượu cần truyền thống từ gạo, chị H’Bích đã chế biến thêm loại rượu cần mang hương vị riêng từ hạt mắc ca.
Rượu cần hương mắc ca tuy còn mới lạ với người dân, nhưng sau một thời gian đưa ra thị trường đã được nhiều khách hàng ủng hộ, vì rượu có mùi thơm, dễ uống, nhất là với những người sành rượu. Trong các ngày lễ, Tết, mặt hàng này càng hút khách dù nó có giá bán 1 triệu đồng 1 ché rượu 10 lít. Việc kinh doanh rượu cần đem lại lợi nhuận đáng kể. Trong thời gian tới, chị H’Bích dự định sẽ đẩy mạnh chào hàng rượu cần, nhất là rượu cần mắc ca ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để mở rộng thị trường, đồng thời quảng bá loại rượu truyền thống của dân tộc mình.
Ngoài việc kinh doanh các sản phẩm liên quan đến mắc ca, anh chị còn kinh doanh nhiều mặt hàng khác, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách hàng địa phương. Với sự cần cù siêng năng của mình, mỗi năm anh chị thu nhập gần 200 triệu đồng sau khi đã trừ đi chi phí.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc