Nâng tầm giá trị nông sản Đắk Lắk (Kỳ 2)
08:53, 24/08/2018
[links(left)]
Kỳ 2: Xây dựng và phát triển thương hiệu đặc sản, khó ở đâu?
Trong các cuộc hội nghị, hội thảo về nông nghiệp cũng như hoạt động kinh tế từ Trung ương đến địa phương, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đều được đưa ra bàn luận, mổ xẻ. Tuy nhiên, số lượng thương hiệu đặc sản địa phương được xây dựng và phát triển trên địa bàn tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xây dựng thương hiệu đã khó…
Theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), muốn đăng ký bảo hộ thương hiệu đặc sản địa phương thành công thì trước tiên phải có căn cứ thẩm định chất lượng sản phẩm nông sản và loại hình sở hữu trí tuệ muốn xây dựng. Tiếp đến là xác định tổ chức, doanh nghiệp là chủ sở hữu thương hiệu đó cũng như bệ đỡ để thương mại sản phẩm sau khi có thương hiệu ra thị trường... Trong đó, phổ biến là nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Còn nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hoá, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.
Người dân huyện Ea Kar tìm hiểu về giống bò lai. |
Câu chuyện thương hiệu xoài Ea Súp đã được nhắc đến cách đây khoảng 5 năm, khi diện tích, sản lượng xoài tăng liên tục qua các năm. Trong các chủ trương, định hướng của địa phương đều xác định, cần phải xây dựng thương hiệu để tìm đầu ra cho xoài cũng như đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân ở huyện vùng sâu nhiều khó khăn này. Tuy nhiên, chính quyền địa phương không tìm được doanh nghiệp đứng ra làm bệ đỡ để đưa ra thị trường khiến câu chuyện chỉ dừng lại ở định hướng và chờ một đề tài nghiên cứu khoa học hỗ trợ thực hiện. Đến cuối năm 2017, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) hỗ trợ tập hợp, liên kết nông dân thành lập tổ hợp tác, tổ chức các lớp tập huấn canh tác theo hướng VietGAP và tìm kiếm đối tác thu mua xoài lâu dài, ổn định cho bà con… thì Hội Nông dân huyện Ea Súp mới có thể đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm xoài. Hiện tại, hồ sơ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận và đang trong thời gian chờ cấp Giấy chứng nhận.
Phát triển thương hiệu lại càng khó hơn
Xây dựng đã khó, việc giữ vững và phát huy giá trị của các thương hiệu đặc sản địa phương đã được xây dựng thành công trong bối cảnh hiện nay lại càng khó hơn. Bởi, một sản phẩm thương hiệu đặc sản địa phương chỉ được phát triển và nhiều người biết đến, tạo nên giá trị và ngày càng gia tăng khi có doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu và đưa sản phẩm gắn nhãn hiệu đó ra thị trường. Đơn cử như Nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu Cư Kuin dù đã được cấp giấy chứng nhận hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa có sản phẩm được dán nhãn trên thị trường.
Sản xuất hồ tiêu ở xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. |
Lý giải về vấn đề này, ông Vũ Thanh Hưng, Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cư Kuin cho biết, về danh nghĩa, hạt tiêu được sản xuất trên địa bàn huyện Cư Kuin đã có được thương hiệu (Hồ tiêu Cư Kuin), được Nhà nước bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên để đưa sản phẩm hạt tiêu mang nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” ra thị trường thì phải có tổ chức, cá nhân kinh doanh hợp pháp đăng ký sử dụng nhãn hiệu và được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu.
|
Việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu thực hiện theo quy định, sản phẩm sản xuất phải tuân thủ theo đúng quy trình đã được UBND huyện phê duyệt, từ khâu trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch chế biến, đặc biệt là chất lượng hạt tiêu phải đảm bảo tiêu chuẩn đã đăng ký (về kích thước hạt, độ cay, trọng lượng, không có dư lượng thuốc BVTV…). Nghĩa là, muốn sử dụng nhãn hiệu, doanh nghiệp phải có vùng nguyên liệu hoặc liên kết với nông dân để thu mua, chế biến theo đúng quy trình đã đăng ký và phải có kết quả kiểm định chất lượng sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn thì UBND huyện mới cấp logo kèm theo quyết định cho đơn vị sử dụng “Nhãn hiệu chứng nhận hồ tiêu Cư Kuin”.
Hiện tại, một số đơn vị kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện đã và đang lập hồ sơ đăng ký sử dụng nhãn hiệu, trong đó Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur đã hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý và đang thực hiện bước cuối cùng là kiểm chứng chất lượng sản phẩm. Với thâm niên hàng chục năm tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản, đặc biệt là đi đầu trong việc phát triển hồ tiêu an toàn bền vững trên địa bàn huyện, đã có một số sản phẩm hồ tiêu xuất ra các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, hy vọng công ty sẽ sớm có sản phẩm mang nhãn hiệu “Hồ tiêu Cư Kuin” thương mại trên thị trường.
Hay như huyện Ea Kar là một trong những địa phương có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc, gia cầm để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò thịt. Năm 2008, huyện Ea Kar đã bắt đầu xây dựng thương hiệu cho bò thịt và đến năm 2011, “Nhãn hiệu tập thể bò thịt Ea Kar” là thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ, bảo hộ. Dẫu nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhưng do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu sự hỗ trợ phát triển nên đến nay “Nhãn hiệu tập thể bò thịt Ea Kar” vẫn chưa khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
(Còn nữa)
Thúy Hồng – Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc