Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường ở huyện Ea Súp

12:21, 22/08/2018

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều hội viên nông dân ở huyện Ea Súp đã tận dụng các nguồn lực tự nhiên, kết hợp các loại phân bón hữu cơ để phát triển các mô hình kinh tế, vừa mang lại hiệu quả, vừa tránh làm tác động xấu đến môi trường.

Điển hình như mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi của gia đình ông Đỗ Đức Thiềm tại thôn 9, xã Ea Bung. Ông Thiềm đã mạnh dạn đưa giống lúa mới là OMO 5451 vào gieo trồng 3 vụ/năm trên 3 ha ruộng, nhờ chăm sóc tốt đã đạt sản lượng 9 tấn/vụ, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn giống cũ.

Bên cạnh đó, nhận thấy thế mạnh của địa phương thích hợp với chăn nuôi bò nhờ có nguồn cỏ xanh sẵn ở cánh đồng và rơm rạ sau vụ mùa, vừa có thể kết hợp chăn thả và nuôi nhốt, ông Thiềm đã đầu tư nuôi bò lai sinh sản, một năm cho xuất chuồng 2 đợt bê giống với giá bán 6 triệu đồng/con. Để đảm bảo nguồn thức ăn quanh năm cho đàn bò, ông trồng 3000 m² cỏ voi, cỏ VA06 và tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, lá mía, bắp... Ngoài ra, mô hình ao cá trên diện tích hơn 5.000 m² được ông đầu tư chăm sóc kỹ, mỗi năm xuất bán được hơn 50 triệu đồng.

Từ nguồn phân bò có sẵn, ông Thiềm ủ để bón cho lúa, vừa giảm chi phí, vừa hạn chế tối đa sử dụng thuốc hóa học trong việc chăm sóc cây. Nhờ sự tính toán, chăm chỉ và kết hợp nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm gia đình ông Thiềm thu về hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư. Ông Thiềm cho hay: “Là người làm nông nên tôi phối hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi sao cho phù hợp, vì mỗi mô hình lại tăng thêm một phần thu nhập. Ví dụ như nuôi ao cá để kiếm tiền sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, bán bê con để lấy chi phí tái đầu tư và khi thu lúa sẽ để dành tiết kiệm…”. Với sự nhanh nhạy trong việc làm kinh tế cộng với đức tính cần cù, ông Thiềm trở thành tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của xã Ea Bung, nhiều năm liền được UBND huyện tuyên dương, tặng giấy khen.

ông Đỗ Đức Thiềm
Ông Đỗ Đức Thiềm chăm sóc đàn cá. Ảnh: M.Sao

Bà Đỗ Thị Lương (thôn 6, xã Cư M’lan), chủ nhân vườn táo cho năng suất cao cũng được nhiều người biết đến với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt.

Trước đây bà Lương có 2 ha đất chỉ mọc toàn táo rừng, loại táo này trái nhỏ, chát không cho hiệu quả kinh tế, nhưng bù lại có sức sống khỏe. Nhận ra thổ nhưỡng vùng này phù hợp với cây táo, năm 2017, bà quyết định phá bỏ táo rừng và đầu tư gần 600 triệu đồng trồng lại 1.000 gốc táo mới, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Mong muốn mang lại hiệu quả cao nhất cho việc trồng táo, đồng thời cũng muốn học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, nên bà Lương đã thuê kỹ sư về chuyển giao công nghệ trồng cây, hướng dẫn kỹ thuật…Ngoài ra, bà còn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, đầu tư bón phân hữu cơ (phân bò) giúp cải thiện đất và bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Để bảo vệ môi trường và giúp táo sinh trưởng tốt, bà Lương đã học hỏi cách làm thuốc trừ sâu bằng phương pháp tự nhiên từ gừng, sả, ớt… Những nguyên liệu này được bà ngâm với rượu, xịt lên cây để diệt trừ sâu, bướm và côn trùng. Thậm chí bà còn tự tay làm những bẫy diệt ruồi thủ công, tránh tối đa dùng thuốc hóa học lên cây trồng và môi trường. Bà Lương cho biết: “Trồng táo phải chăm kỹ từng cây, cây không bị mắc bệnh, sẽ cho đậu quả cao. Còn nếu cây đã bị bệnh sẽ dẫn đến rụng bông, rụng lá, thậm chí là đậu trái rồi vẫn rụng”. Những cố gắng của bà và gia đình đã được đền đáp, sau hơn 6 tháng trồng, cây táo đã cho thu hoạch, bà gần như có thể lấy lại được vốn ban đầu và dự định sẽ mở rộng thêm 2 ha trong thời gian tới.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều gương làm kinh tế giỏi gắn liền với bảo vệ môi trường ở huyện Ea Súp. Sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong huyện cùng với ý thức trách nhiệm của mỗi nông dân trong hoạt động bảo vệ môi trường thông qua phát triển kinh tế, đã góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

H'Dịu Mlô


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.