Nỗ lực ổn định cuộc sống cho đồng bào di cư ở Cư Đrăm
09:33, 16/08/2018
Xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) hiện có 841 hộ, 4.991 khẩu là người dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc (đa số là người Mông) vào định cư từ năm 1996, tập trung ở các thôn Ea Hăn, Yang Hăn, Ea Luêh, Nao Huh, Tơng Rang B và Cư Đhắt. Sau hơn 20 năm định cư, cuộc sống của người dân đang dần ổn định.
Năm 1996, xã Cư Đrăm chỉ mới thành lập một thôn với 115 hộ, 578 khẩu là người dân tộc Mông. Cuộc sống của người dân lúc đó hết sức khó khăn. 100% hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo với nhiều cái “không” như: không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch, không sóng điện thoại…
Mỗi năm, trên địa bàn xã lại có thêm hàng trăm hộ dân tiếp tục di cư vào, gây xáo trộn, khó khăn cho địa phương về nhiều mặt. Thiếu đất sản xuất nên người dân liên tục phá rừng làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã; ốm đau, bệnh tật xảy ra thường xuyên; tình trạng tảo hôn, sinh đông con, sinh hoạt tôn giáo trái phép diễn ra hết sức phức tạp.
Ông Ama Khoát, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Đrăm nhớ lại: “Khi bà con mới vào định cư, do chưa có đường đi nên việc giao thông rất khó khăn. Muốn ra Trạm y tế khám chữa bệnh, đi chợ mua lương thực, thực phẩm, người dân đều phải đi bộ, lội qua mấy con suối. Chưa có trường lớp nên đa số trẻ em không được đi học. Trước tình hình ấy, xã phải kiến nghị với cấp trên đầu tư xây dựng trường học mở lớp; cử cán bộ y tế vào khám, chữa bệnh, phòng dịch bệnh; hỗ trợ lương thực cho bà con…”.
Sau nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay cuộc sống của đồng bào di cư đã ổn định, đã có 6 thôn được thành lập với gần 5.000 khẩu. Phần lớn đường giao thông nội vùng được bê tông hóa; trường học, các công trình thủy lợi được xây dựng từ nguồn vốn của các dự án. Người dân cả 6 thôn đã được dùng nước sạch tự chảy bằng kinh phí và công sức của chính nhân dân tự đóng góp; gần 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia.
Người dân đã dần xóa được nhà tạm bợ; diện tích đất canh tác hằng năm của của 6 thôn lên đến trên 2.300 ha với đa dạng các loại cây trồng. Nhiều nông hộ đã đưa cơ giới vào sản xuất; mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả và đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê.
Gia đình anh Sùng Seo Pao (thôn Nao Huh) mạnh dạn đầu tư trồng hồ tiêu cho thu nhập cao. |
Trên địa bàn xã đã xuất hiện những hộ dân có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: ông Vàng Seo Tạ (buôn Tơng Rang B) mỗi năm thu trên 90 triệu đồng từ trồng cà phê, hồ tiêu, lúa và chăn nuôi; ông Hạng A Lao (thôn Cư Đhắt) thu nhập hơn 100 triệu đồng từ lúa, cà phê, hồ tiêu; anh Sùng Seo Pao (thôn Nao Huh) thu nhập trên 300 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu, sắn, dứa và trồng rừng...
Anh Sùng Seo Pao phấn khởi: “Trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm. Sau tôi tích cóp được ít vốn mua đất, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên giờ thu nhập cũng khá. Gia đình tôi đã xây được nhà mới, mua được các vật dụng sinh hoạt trong gia đình và lo cho các con ăn học”.
Tình hình dân cư trong các thôn giờ đã ổn định. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã Cư Đrăm chỉ có vài hộ di cư từ các tỉnh phía Bắc vào thêm và không có trường hợp nào di cư đến nơi khác. Tình trạng phá rừng làm rẫy không còn xảy ra. Một số điểm nhóm đạo Tin Lành được công nhận, được tạo điều kiện sinh hoạt một cách thuận lợi trong khuôn khổ của pháp luật. Đặc biệt, công tác phát triển Đảng trong các thôn đồng bào Mông được Đảng bộ xã hết sức quan tâm. Đến nay, Đảng bộ xã đã kết nạp được 23 đảng viên và cả 6 thôn đều đã thành lập được chi bộ.
Tuy nhiên, trong các thôn đồng bào Mông ở xã Cư Đrăm hiện nay vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi chính quyền địa phương và người dân phải ra sức, nỗ lực để khắc phục như: tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, chiếm đến 55%; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên và nạn tảo hôn trong các thôn vẫn diễn ra phức tạp; một số hộ dân ở xa đường hạ thế đến nay vẫn chưa được dùng điện lưới quốc gia; vẫn còn nhà tạm bợ…
Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm cho biết: “Việc giảm nghèo ở các thôn đồng bào Mông còn hết sức nan giải. Địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai một số dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng như trường học, đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi và các dự án về trồng trọt, chăn nuôi để tạo điều kiện thuận lợi, giúp bà con các thôn đồng bào Mông có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc