Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Lắk lao đao vì lũ về sớm

07:37, 17/08/2018
Thời tiết mưa sớm, kéo dài hơn một tháng qua khiến nhiều diện tích lúa hè thu đang trổ bông, có nơi chuẩn bị thu hoạch tại các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đắk Liêng… (huyện Lắk) ngập sâu trong nước, gây thiệt hại không nhỏ người dân.
 
Cứ mưa lớn là ngập
 
Hơn một tuần qua, ngày nào ông Phạm Văn Bái (thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết) cũng có mặt tại hơn 1 ha ruộng của gia đình đang bị ngập để kiểm tra tình hình. Ông Bái xót xa nói, lúa của gia đình ông đang thời kỳ trổ bông thì mưa lớn kéo dài, nước từ các sông, suối đổ về khiến cả 1 ha ngập chìm trong nước. Có khoảng 40 ha lúa ở khu vực này đang thời kỳ làm đòng, trổ bông đang bị ngập, nhiều hộ bất lực nhìn đám ruộng bắt đầu có dấu hiệu bị thối bông mà không có cách nào để cứu lúa. Nếu trong vài ngày tới nước rút còn mong vớt vát được phần nào, còn không rút kịp thì gia đình ông Bái cùng nhiều hộ dân khác tại đây đứng trước nguy cơ mất trắng. 
 
Cùng tâm trạng lo lắng đó, ông Trần Trọng Phan (thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết) cho biết, hai vợ chồng già chỉ trông vào gần 8 sào lúa, đầu vụ thời tiết cơ bản thuận lợi nên cũng thấy mừng. Nhưng niềm vui chưa kịp trọn vẹn khi lúa còn khoảng một tháng nữa thu hoạch lại ngập trong nước lũ. Với tình hình thời tiết mưa liên tục như thế này thì nguy cơ mất trắng cả vùng là khó tránh khỏi.
 
Theo ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, vụ hè thu năm 2018 toàn xã gieo trồng được 1.950 ha lúa, thời gian qua do mưa lớn kéo dài, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về các sông suối trên địa bàn khiến cho khoảng 500 ha lúa ở các vùng trũng bị ngập úng, trong đó 200 ha có nguy cơ bị mất trắng do lúa đang trong thời kỳ làm đòng, trổ bông mà bị ngâm lâu trong nước. Diện tích ngập lụt nặng chủ yếu tại các thôn Kiến Xương, Sơn Cường, Buôn Tung 1, Buôn Tung 2… Ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
 
Người dân ở xã Đắk Liêng thu hoạch lúa sớm để tránh thiệt hại nặng.
Người dân ở xã Đắk Liêng thu hoạch lúa sớm để tránh thiệt hại nặng.
Để giảm bớt thiệt hại, tại các xã lân cận như Đắk Liêng, Buôn Tría… nông dân đang tập trung thu hoạch những trà lúa sớm. Mặc dù vẫn chưa đến thời điểm chính thức thu hoạch, nhưng người dân chấp nhận năng suất thấp còn hơn là mất trắng. Anh Y Teo H’mok (Buôn Bàng, xã Đắk Liêng) cho hay, mọi người trong gia đình đang khẩn trương thu hoạch hết 7 sào lúa để tránh bị ngập nặng, nhưng do thu hoạch lúa non nên chỉ đạt được 6 - 7 bao lúa/sào, giảm mất khoảng 50% sản lượng so với vụ hè thu năm trước. Theo UBND xã Đắk Liêng, toàn xã cũng có gần 140 ha lúa, ngô và hoa màu bị ngập úng, tỷ lệ thiệt hại từ 50% trở lên, trong đó có 100 ha lúa đang trổ bông bị ngập sâu trong nước.
 
Phòng NN-PTNT huyện cho biết, trong đợt mưa lớn vừa qua, toàn huyện có 438 ha lúa và 35 ha ngô, hoa màu vụ hè thu năm 2018 bị ngập úng, tỷ lệ thiệt hại từ 50% trở lên. Ngoài ra, còn có một số diện tích lúa tại khu vực xung quanh hồ Lắk và lân cận các khu vực ngập úng nói trên mực nước trong ruộng cũng ở mức khá cao. Hiện Phòng NN-PTNT huyện cùng các địa phương đang tích cực theo dõi để có giải pháp xử lý kịp thời.
 
Cần có giải pháp căn cơ
 
Theo những người dân các xã Buôn Triết, Buôn Tría, vùng này thường xuyên bị mất mùa, trung bình cứ 5 năm thì mới có một năm thu trọn vẹn. Nguyên nhân là do đây là vùng trũng, cứ mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về các sông suối trên địa bàn gây lũ cục bộ. Trong khi hệ thống tiêu nước là con sông Tàu Hút không phát huy hiệu quả vì từ khi xây dựng (năm 1991) đến nay con sông Tàu Hút chưa được nạo vét, khơi thông dòng chảy lần nào khiến hệ thống sông bị bồi lấp nặng nên tiêu nước rất chậm. Bên cạnh đó, có nhiều đoạn bờ sông Krông Ana bị sạt lở chưa được kiên cố, hệ thống đê bao lại chưa có, chính vì vậy khi nước sông dâng cao, nước lại tràn vào đồng ruộng của người dân khiến năm nào vùng này cũng bị mất mùa, hoạt động sản xuất ở đây luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu mỗi khi mưa đến. 
 
Người dân ở xã Buôn Triết kiểm tra tình hình lúa đang bị ngập nặng.
Người dân ở xã Buôn Triết kiểm tra tình hình lúa đang bị ngập nặng.
Theo UBND xã Buôn Triết, năm 2012, xã được Nhà nước đầu tư đắp đập Tám Lưu (tại Buôn Tung 1) có chiều dài 300 m để ngăn lũ từ sông tràn vào nhưng do đập được đắp bằng đất nên cứ mưa lớn lại hư hỏng, xói lở. Năm 2017, huyện hỗ trợ được 300 triệu đồng để sửa chữa con đập này nhưng do bị ngập lụt thường xuyên nên hiện cũng đã xuống cấp. Trước tình hình đó, đầu năm 2018, UBND xã đã trích 20 triệu đồng từ ngân sách của xã cấp cho các thôn, buôn để sửa chữa những đoạn sạt lở nhỏ nhằm tránh nước không tràn vào đồng ruộng khi có mưa lớn, tuy nhiên vẫn chưa cải thiện được mấy. 
 
Theo ông Nguyễn Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết, huyện Lắk, đặc biệt là xã Buôn Triết được xem là vựa lúa của tỉnh nhưng việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là phòng chống thiên tai chưa được quan tâm nên không phát huy được tiềm năng của vùng. Do đó, về lâu dài cần có phương án hỗ trợ người dân vùng này trong công tác phòng chống lũ. Trước mắt là xây dựng đê bao dọc sông Krông Ana như bên phía huyện Krông Ana, đồng thời tiến hành nạo vét con sông Tàu Hút để phát huy hiệu quả tiêu nước trong mùa mưa lũ, tránh ngập úng cho cánh đồng và thiệt hại sản xuất cho nông dân. Có như vậy, người dân của 3 xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng mới thoát được cảnh “đánh bạc với trời” trong sản xuất.
 
Phòng NN-PTNT huyện cho biết, hiện tỉnh đã có dự án xây dựng đê bao dọc theo bờ sông Krông Ana cho huyện Lắk với chiều dài khoảng 15 km; kinh phí ban đầu khoảng 200 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2019 sẽ triển khai thực hiện nhằm chắn lũ, bảo vệ mùa vụ sản xuất cho người dân.
 
Minh Thuận - Thùy Dung
 

Ý kiến bạn đọc