08:51, 13/08/2018
Thông thường như mọi năm, giữa mùa mưa là thời điểm người dân trên địa bàn tỉnh tập trung bón phân cho cây trồng. Tuy nhiên, thị trường phân bón thời điểm này khá ảm đạm, sức mua giảm rõ rệt so với mọi năm.
Thời điểm này, nông dân tại các địa phương trong tỉnh chuẩn bị bón phân đợt 3 cho cây trồng. Thông thường, đây cũng lúc sức mua trên thị trường phân bón tăng mạnh, thậm chí nhiều nông dân phải mua hàng tạm trữ để đề phòng tình trạng giá cả sẽ tiếp tục leo thang hơn nữa. Tuy nhiên, khác với mọi năm lượng tiêu thụ phân bón năm nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng đột biến.
Theo chị Lê Thị Mộng Thu (Đại lý phân bón Nguyên Nghĩa tại Km47 xã Pơng Drang, huyện Krông Búk), nhiều năm kinh doanh trong ngành này, chị đã sớm nhập hàng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ phân bón trong suốt mùa mưa. Tuy nhiên, sức mua đến thời điểm này khá yếu. Mọi năm, vào mùa cao điểm, mỗi ngày chị bán ra cũng được 4 - 5 tấn, hiện giờ lượng bán ra chỉ đạt 1 - 2 tấn/ngày.
|
Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh kiểm tra một điểm kinh doanh phân bón tại huyện Krông Búk. |
Ế ẩm là tình trạng chung của nhiều đại lý phân bón trên địa bàn tỉnh hiện nay. Chị Nguyễn Thị Nhị, chủ một đại lý phân bón trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, mọi năm vào thời điểm này làm không hết việc, nhưng năm nay lại rơi vào cảnh “ngồi chơi đợi khách”, thi thoảng mới có một vài người đến hỏi mua, khảo giá. Thị trường phân bón đang chững lại. Sức mua quá yếu khiến các đại lý không dám nhập thêm hàng về dự trữ để bán.
Sức mua trên thị trường giảm mạnh, trong khi đó, giá một số loại phân bón lại đang tăng nhẹ. Điều này càng gây khó cho nông dân lẫn đại lý bán mặt hàng này. Theo khảo sát, hiện giá phân bón đang tăng từ 5.000-20.000 đồng/bao (50kg) tùy loại. |
Lý giải về điều này, nhiều đại lý cho hay, sức mua sụt giảm là do giá cà phê đang giảm mạnh (hiện ở mức 34.000 - 36.000 đồng/kg), nên người dân không mặn mà đầu tư, mua phân bón, nhiều người đã hạn chế số lượng phân để bón so với thông thường. Thậm chí, thay vì bón thành 3 đợt thì có hộ chỉ chia ra bón thành 2 đợt cho cây trồng để cắt giảm chi phí đầu tư. Thêm vào đó, trước “ma trận” của thị trường phân bón thật - giả lẫn lộn, hiện nay một số nông dân cũng lựa chọn và tận dụng nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng, thay thế cho các loại phân hóa học nhằm giảm chi phí đầu vào.
Mặc dù lo lắng cho vườn cà phê hơn 2 ha của mình nhưng lão nông Võ Văn Lưu (thôn 11, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) cũng hạn chế chi tiền để mua phân bón cho cây trồng. Đợt này, ông chỉ mua 7 bao kali về bón vì giá cà phê quá thấp, nguồn thu không đủ bù chi phí bỏ ra để cải tạo vườn cà phê. Ông Lưu cho hay, cứ đà này, nhiều khả năng ông sẽ nghĩ đến phương án trồng các loại cây khác để thay thế cây cà phê.
Đáng nói hơn nữa là hiện tại, vẫn không tránh khỏi tình trạng có một số loại phân bón bán ra trên thị trường không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng đã làm ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây trồng, gây thiệt hại lớn đến sản xuất. Một số đại lý còn tự ý pha trộn, nhập hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán lại để kiếm lời càng khiến bà con nông dân bị thiệt hại.
|
Khách chọn mua phân bón tại một đại lý ở TP.Buôn Ma Thuột. |
Để đề phòng vấn nạn trên, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra và đang mở đợt cao điểm kiểm soát việc bày bán, kiểm nghiệm chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh; chất lượng phân bón và tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng.
Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng thì bà con nông dân cũng nên tỉnh táo cảnh giác với các loại phân bón giá rẻ, trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang được bày bán trên thị trường hoặc quảng cáo thông qua một số tổ chức hội trên địa bàn, nhất là các vùng nông thôn trong tỉnh. Đồng thời, chú ý xem kỹ nhãn mác, nơi sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì, tốt nhất nên chọn mua những sản phẩm đã có uy tín tại các đại lý đáng tin tưởng.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc